Thứ Hai, 09/03/2020, 09:20 (GMT+7)
.

Khu vực phía Đông: Căng thẳng nước sinh hoạt

Hạn, mặn gay gắt, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng cao dẫn đến một số khu vực trên địa bàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt.

Thời điểm này, một số khu vực ở các huyện, thị phía Đông đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Trên các nẻo đường, rất nhiều người dân mang can, thùng đến các vòi nước công cộng hay điểm phát nước miễn phí để lấy nước về sử dụng.

Người dân đến lấy nước tại các vòi nước công cộng.
Người dân đến lấy nước tại các vòi nước công cộng.

CUỐI NGUỒN “KHÁT” NƯỚC

Xã Tân Phước và Gia Thuận (huyện Gò Công Đông) là vùng trọng điểm về thiếu nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn này. Ông Nguyễn Văn Dũng (ấp 3, xã Tân Phước) cho biết, nước ở các kinh, rạch nội đồng đã cạn, nguồn nước máy không chảy tới nên người dân gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt. Nguồn nước sinh hoạt của gia đình ông cũng như nhiều người dân trong ấp chủ yếu lấy từ các vòi nước công cộng. Song để lấy được 1 can nước 30 lít, ông phải chờ đến hàng giờ. Cũng theo ông Dũng, việc mở các vòi nước miễn phí đã phần nào giải quyết nhu cầu về nước sinh hoạt cho người dân. Ông Dũng chia sẻ: “Người dân nơi đây chỉ trông chờ có nước, lo nước chứ không lo chuyện lúa gạo”.

Ngành Thuế đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực TX. Gò Công - Gò Công Đông - Tân Phú Đông Phan Văn Phước, những ngày qua, Công đoàn Chi cục Thuế khu vực đã hỗ trợ một số doanh nghiệp ở huyện Gò Công Đông khoảng 20 m3 nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho công nhân. Ngoài ra, ngành Thuế còn chở nước đến tặng cho người dân ở khu vực các xã Tân Phước, Gia Thuận. Cũng theo đồng chí Phan Văn Phước, để đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian tới, ngành Thuế sẽ vận động cán bộ, công chức mua bồn để vận chuyển nước dự trữ tại trụ sở nhằm phục vụ công nhân trong doanh nghiệp và người dân vùng khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thuận Võ Thị Minh Nguyệt, toàn xã có hơn 7.000 nhân khẩu. Ngày thường, người dân trên địa bàn xã sử dụng từ 2.000 - 2.200 m3 nước/ngày. Hiện trạm cấp nước của xã chỉ cung cấp được từ 100 - 110 m3/ngày (nước BOO Đồng Tâm). Người dân phải mang can, thùng ra trạm cấp nước để chở về chứ nước không chảy tới nhà. Trước đây, mỗi ngày trạm cấp nước của xã tiếp nhận khoảng 700 m3 từ nguồn nước BOO Đồng Tâm, cộng thêm việc lấy nước mặt từ các kinh, rạch vào xử lý để phục vụ người dân. Hiện nguồn nước từ các kinh, rạch đã cạn kiệt, do đó lượng nước cung cấp chỉ cơ bản đủ phục vụ người dân.

Còn tại xã Tân Tây (huyện Gò Công Đông), một số khu vực của xã cũng gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Chị Đỗ Thị Kim Huệ (ấp 5, xã Tân Tây) cho biết, năm nay, nước sinh hoạt rất khó khăn, người dân rất vất vả. Nước máy không chảy đến nhà nên chị phải đến nơi mở vòi nước công cộng để lấy về dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Do nhiều người đến lấy nước, nên lượng nước lấy rất hạn chế, chỉ đủ dùng trong ngày.

DOANH NGHIỆP CŨNG GẶP KHÓ

Thời điểm này, do áp lực nước về khu vực các xã thuộc huyện Gò Công Đông yếu nên một số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - May mặc xuất khẩu Toàn Thắng (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) cho biết: “Khoảng 2 - 3 tuần qua, nước máy phục vụ sinh hoạt tại khu vực này không chảy. Khi mới đi vào hoạt động, công ty có khoảng 150 công nhân, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 100 công nhân. Các công nhân này đa phần sinh sống tại xã. Do thiếu nước sinh hoạt nên họ nghỉ ở nhà để lo nước sinh hoạt cho gia đình. Mỗi ngày, công ty cần khoảng 6 m3 nước để phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho công nhân. Ngoài việc thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, công ty đang lo ngại đến việc cháy, nổ khi nguồn nước bị thiếu hụt.

Một số doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu nước sản xuất, sinh hoạt.
Một số doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu nước sản xuất, sinh hoạt.

Với khoảng 140 công nhân, Công ty TNHH May mặc Quang Vinh Thành (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) cũng đang đối mặt với khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Theo bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Quản lý điều hành công ty, khoảng 1 tháng nay, đường nước dẫn vào công ty không chảy. Cứ khoảng 2 - 3 ngày, công ty phải đi đổi nước 1 lần với giá từ 100 - 150 đồng/m3. Công ty lo lắng nếu tình trạng này kéo dài thì công nhân sẽ nghỉ làm, ảnh hưởng đến đơn đặt hàng của công ty.

San sẻ khó khăn cùng người dân

Từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Hoanh (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây) đã tìm đến tòa soạn Báo Ấp Bắc để phản ánh về việc làm ý nghĩa của chính quyền xã. Theo bà Hoanh, từ ngày 23-2, Trạm cấp nước Hưng Hòa (xã Long Vĩnh) đã ngưng cấp nước. Để người dân có nước sinh hoạt, cán bộ xã Long Vĩnh đã đem bồn đặt tại 4 điểm trên địa bàn xã, các cán bộ xã chia làm 2 tổ chở nước đổ vào bồn để người dân đến lấy về sinh hoạt. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên xã còn nhận chở nước đến tận nhà 16 hộ già neo đơn. Việc làm của chính quyền địa phương làm cho bà rất xúc động và thêm tin tưởng vào chính quyền, chia sẻ cùng người dân trong lúc khó khăn.

NỖ LỰC CỦA CÔNG TY CẤP NƯỚC

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang Huỳnh Công Dũng, hiện mỗi ngày, công ty cung cấp khoảng 170 ngàn m3 nước cho toàn tỉnh, vượt khoảng 30% sản lượng ngày thường. Hiện nay, công ty lấy nguồn nước mặt trên kinh Sáu Ầu để cung cấp cho Nhà máy nước Bình Đức và Nhà máy nước Đồng Tâm. Sau khi được xổ xả, độ mặn trên kinh này được cải thiện rất tốt (khoảng 600 mg/lít), trữ lượng đảm bảo cung cấp nước cho Nhà máy nước Bình Đức và Nhà máy nước Đồng Tâm.

Để đảm bảo chất lượng nước cho khu vực TP. Mỹ Tho và nguồn nước BOO, ngoài nguồn nước mặt lấy từ kinh Sáu Ầu, công ty còn sử dụng nước từ một số giếng ngầm để pha vào nhằm giảm độ mặn. Trước khó khăn về nguồn nước, có lúc công ty còn phải mua nước từ các sà lan để pha với nguồn nước trên kinh Sáu Ầu nhằm giảm độ mặn.

Cũng theo đồng chí Huỳnh Công Dũng, mùa khô năm nay, hầu như nguồn nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt ở các kinh, rạch nội đồng đều cạn nên nhu cầu nước sinh hoạt tăng đột biến. Hầu như người dân chỉ còn nguồn nước máy để sử dụng. Trước tình hình thiếu nước hiện nay, người dân lo lắng nên đã dự trữ dẫn đến nhu cầu sử dụng nước tăng đột ngột, gây mất khả năng cung cấp nước cho những vùng cuối mạng lưới.

Đồng chí Huỳnh Công Dũng cho biết, để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, công ty đã có những giải pháp tập trung cho khu vực cuối nguồn như: Mở gần 100 vòi nước công cộng; cấp bồn chứa nước cho một số người dân; chở nước đến vùng nước yếu, thiếu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khẩn trương đầu tư một số tuyến ống bổ cấp nước cho các hợp tác xã, trạm cấp nước để cung cấp nước phục vụ nhân dân. Dự báo tình hình cung cấp nước sinh hoạt thời gian tới sẽ còn khó khăn.

Tuy nhiên, công ty đã chịu được đỉnh điểm của tháng 2 thì tháng 3 sẽ chịu được. Song nếu tình hình này còn kéo dài thì sẽ phức tạp. Hiện công ty đang phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tuyên truyền người dân trong việc tiết kiệm nước, sử dụng nước đúng mục đích. “Có thể tới đây, công ty sẽ cắt nước theo giờ để cho khu vực này nhận nước vào ban ngày, khu vực khác nhận vào ban đêm và ngược lại. Công ty sẽ điều tiết nước để chia sẻ nguồn nước” ­- đồng chí Huỳnh Công Dũng cho biết thêm.

M. THÀNH

.
.
.