Bảo hiểm xe máy: Nên bớt thủ tục, giảm phí, tăng bồi thường
Đây là quan điểm của ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) khi trao đổi với báo chí về tình hình kinh doanh bảo hiểm trách nhiệm dân sự với xe cơ giới.
Quản lý bảo hiểm: Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý...
Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm. Ảnh: VGP |
Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh cho biết, theo quy định hiện nay, trách nhiệm bồi thường tối đa về người là 100 triệu đồng/vụ và thiệt hại về tài sản là 50 triệu đồng/vụ đối với vụ tai nạn do xe máy gây ra.
Tuy nhiên, thực tế xảy ra rất nhiều vụ va chạm gây thiệt hại nhỏ, do thủ tục quá phức tạp nên người dân tự giải quyết mà không liên hệ với các doanh nghiệp bảo hiểm.
Kết quả thực hiện thời gian qua cho thấy bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới vẫn còn tồn tại, vướng mắc cả về chính sách và triển khai thực hiện. Đó là mức trách nhiệm bảo hiểm hiện quá thấp so với mức chi phí khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí sửa chữa phương tiện giao thông...
Do những bất cập trên nên tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy vẫn còn rất thấp, mới chỉ đạt 30% trên tổng số lượng cả nước có gần 60 triệu chiếc. Trong khi đó, đối với ô tô, cả nước có 3 triệu chiếc với tỷ lệ tham gia là 90%.
Người dân không mặn mà với bảo hiểm xe máy là do thủ tục bồi thường bảo hiểm khó khăn, bồi thường lại thấp. Ngược lại, nếu cung cấp sản phẩm bảo hiểm được thuận lợi và chất lượng cùng nội dung rõ ràng thì người dân sẽ không ngần ngại khi mua sản phẩm này.
Vì vậy, về lâu dài, cần thiết phải có sửa đổi về khuôn khổ pháp lý. Ông Phùng Ngọc Khánh cho hay trong tháng 5 này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 103 quy định trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, trong đó có xe máy.
Trong dự thảo Nghị định mới, Bộ Tài chính sẽ đề xuất thủ tục bồi thường phải giảm theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người chủ xe máy, người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông mà không may gây tai nạn làm thiệt hại về người, tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác. Đồng thời, quy định phải làm sao để khách hàng nhận thấy sự hỗ trợ của các doanh nghiệp bảo hiểm, của cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện các thủ tục, cũng như đẩy nhanh thời gian trả tiền bồi thường bảo hiểm.
Để khách quan, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp để quy định đối với những trường hợp mà người dân tự giải quyết được thì thủ tục sẽ đơn giản và mức phí bảo hiểm phải phù hợp.
Cần cân nhắc giảm mức phí hoặc là tăng mức trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm so với hiện nay. Mức phí bảo hiểm phải tương ứng với rủi ro của xe, chủ xe và người điều khiển xe. "Doanh thu bảo hiểm là hàng vài trăm tỷ đồng mà bồi thường chỉ vài chục tỷ đồng thì phải giảm phí bảo hiểm xuống”, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nêu quan điểm.
Khi báo chí đặt vấn đề liệu có nên quy định loại hình bảo hiểm này là bắt buộc không, ông Khánh cho biết đây là quy định của luật. Hiện theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy là bắt buộc, nếu chuyển sang hình thức bắt buộc thì phải sửa luật.
Theo kế hoạch năm 2021, Bộ Tài chính sẽ đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi tổng thể Luật Kinh doanh bảo hiểm. Về việc cân nhắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy là bắt buộc hay tự nguyện, Bộ Tài chính sẽ nêu vấn đề này để xin ý kiến các cơ quan cũng như đối tượng chịu sự tác động để có báo cáo Chính phủ và Quốc hội.
Năm 2019: Bồi thường 927 tỷ đồng trách nhiệm dân sự cho xe gây tai nạn
Bộ Tài chính vừa công bố số liệu kết quả kinh doanh bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới năm 2019.
Trên cơ sở báo cáo của các doanh nghiệp, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã tổng hợp số liệu về tình hình thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tính là 3.590 tỷ đồng.
Với ô tô, doanh thu phí bảo hiểm là 2.825 tỷ đồng, còn số tiền bồi thường tai nạn là 927 tỷ đồng.
Với xe máy, doanh thu phí bảo hiểm là 765 tỷ đồng, còn số tiền bồi thường tai nạn là 45 tỷ đồng.
Các con số trên chưa tính các khoản chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm như hoa hồng bảo hiểm (ô tô 5%, xe máy 20% doanh thu), chi phí kinh doanh trực tiếp, chi phí quản lý doanh nghiệp.
Thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ; trong đó có 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ.
(Theo chinhphu.vn)
.