Những kinh nghiệm truyền thông về bình đẳng giới
Vấn đề về giới và bình đẳng giới (BĐG) đã có từ rất lâu trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về quyền bình đẳng trên lĩnh vực BĐG, với việc ra đời Luật BĐG và có hiệu lực ngày 1-7-2007. Từ đó, BĐG đi vào hệ thống khuôn khổ pháp luật nước ta.
Truyền thông về BĐG thông qua các hội thi. |
BĐG đề cập đến sự thụ hưởng các quyền, các cơ hội và đối xử như nhau giữa nam giới và phụ nữ ở mọi lứa tuổi về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, gia đình, xã hội và quyền bất khả xâm phạm về cơ thể. BĐG còn là hành vi ứng xử, khát vọng và những nhu cầu của cả hai giới được cân nhắc, xem xét, được đánh giá và ủng hộ nhau một cách bình đẳng.
Tuy nhiên, do công tác truyền thông về BĐG ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức nên dẫn đến những nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí là tư tưởng lạc hậu về giới. Bên cạnh đó, sự bất BĐG còn tồn tại, ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận người dân là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực giới nảy sinh ở các mức độ khác nhau.
Do vậy, để công tác truyền thông về giới và BĐG đạt hiệu quả thì cần quan tâm đến một số yêu cầu cần thiết, nhất là quan tâm đến đối tượng, tùy vào đối tượng truyền thông mà chuẩn bị nội dung cho phù hợp. Chẳng hạn, đối với cán bộ, đảng viên, bên cạnh hình thức truyền thông phong phú thì nội dung phải đi sâu giới thiệu những chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được quy định về BĐG; đồng thời, có liên hệ thực tế công tác bản thân cũng như đơn vị, địa phương.
Đối tượng là học sinh, sinh viên, cần phải lồng ghép các hình thức truyền thông sinh động như trình chiếu video, minh họa bằng hình ảnh, thơ ca… không nặng về thuyết trình, phải có sự tham gia, trao đổi, phản hồi của người dự. Còn đối tượng là người dân trong cộng đồng, ngoài những thông tin cơ bản cần trao đổi, phải có những câu chuyện thực tế chứng minh cụ thể những trường hợp cần tránh; nêu gương người tốt, việc tốt để học tập, làm theo… sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
Bên cạnh đó, vấn đề quyết định chất lượng truyền thông còn là lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên. Họ cần phải đầu tư, nghiên cứu sâu, có kinh nghiệm vốn sống và kỹ năng truyền thông để truyền đạt các nội dung cần tuyên truyền dễ nghe, dễ nhớ…
Theo đó, thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tham mưu UBND tỉnh, phối hợp các ngành có liên quan tuyên truyền lồng ghép vấn đề BĐG vào các mục tiêu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về BĐG với nhiều hình thức như: Xây dựng chuyên mục BĐG phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang; chuyên trang BĐG trên Báo Ấp Bắc, Báo Lao động và Xã hội; tổ chức hội thi, hội thảo chính sách pháp luật về BĐG; tập huấn cho các đối tượng từ tỉnh đến cơ sở…
Năm 2020 là năm cuối của giai đoạn thực hiện Chiến lược Quốc gia về BĐG, Chương trình hành động quốc gia về BĐG giai đoạn 2016 - 2020. Sở LĐ-TB&XH (cơ quan thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh) tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu Chiến lược Quốc gia về BĐG, Chương trình hành động quốc gia về BĐG năm 2020; tổ chức tập huấn, hội thảo, hội thi, tuyên truyền….
Nhằm tăng cường đưa chính sách, pháp luật về BĐG vào cuộc sống, nâng cao nhận thức toàn xã hội, đặc biệt là nâng cao nhận thức của phụ nữ về Công ước “Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” (CEDAW), các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, tạo sự chuyển biến sâu rộng về nhận thức trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, nhằm thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn về BĐG.
KIỀU LOAN