Thứ Hai, 24/08/2020, 15:54 (GMT+7)
.
THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO TRONG MÙA COVID-19:

Tiền Giang nỗ lực khắc phục khó khăn

Trên cơ sở kết quả điều tra rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2019 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, từ đầu năm đến nay, các địa phương của tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai thực hiện tốt và hiệu quả các chính sách giảm nghèo hiện hành.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và UBND cấp huyện, cấp xã trong tỉnh đã xác định việc gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với giảm nghèo bền vững là trách nhiệm của các cấp ở địa phương, trên cơ sở phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo của tỉnh Tiền Giang đã gặp không ít khó khăn và tỉnh đã nỗ lực khắc phục.

Bàn giao nhà đại đoàn kết từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”.
Bàn giao nhà đại đoàn kết từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”.

ĐẦU TƯ NHIỀU DỰ ÁN GIẢM NGHÈO

Ngay từ đầu năm, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh Tiền Giang đã có sự tập trung cao, chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (viết tắt là Chương trình) trên địa bàn và đã chủ động trong việc phối hợp Chương trình gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…, tạo điều kiện thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đã đề ra.

Công tác phân bổ, sử dụng nguồn lực thực hiện Chương trình được triển khai thực hiện. Tổng kinh phí thực hiện các dự án năm 2020 được Trung ương phân bổ hơn 56 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển hơn 38,6 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 17,7 tỷ đồng. Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tham mưu trình UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định phân bổ chỉ tiêu vốn Chương trình trong năm 2020 cho các huyện, xã, sở, ngành, đoàn thể  thực hiện Chương trình năm 2020.

Chương trình năm 2020 của tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn dưới 2% so với số hộ toàn tỉnh (giảm khoảng 2.630 hộ nghèo, tương đương giảm tỷ lệ 0,52%). Đến tháng 9-2020, giảm nghèo cho 156 hộ nghèo có thành viên hưởng chính sách ưu đãi người có công và 100% gia đình có công cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Dự án của Chương trình 30a triển khai hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng huyện nghèo duy tu sửa chữa các công trình đã bị xuống cấp tại huyện Tân Phú Đông với 1 công trình chuyển tiếp và 11 công trình khởi công mới; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển với 17 công trình được đầu tư mới và 7 công trình chuyển tiếp.

Sở Nông nghiệp và Phát riển nông thôn (NN-PTNT) và Sở LĐ-TB&XH cũng đã hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện 33 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2020 với 525 hộ nghèo, cận nghèo tham gia dự án.

Song song đó, UBND tỉnh Tiền Giang giao 3,2 tỷ đồng để triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 của tỉnh. Đã có 10 huyện, thị đăng ký dự án thực hiện tổng số 16 dự án với 187 hộ tham gia.

Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH, do tác động của dịch bệnh Covid-19, nên từ đầu năm đến nay, mặc dù các sở, ngành, UBND các huyện đã xây dựng kế hoạch để thực hiện các dự án của Chương trình năm 2020, nhưng nhiều dự án chưa triển khai thực hiện được hoặc thực hiện chậm tiến độ.

Riêng Tiểu Dự án về hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên không có lao động đăng ký.

KHÔNG BỎ SÓT CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Cùng với thực hiện các dự án giảm nghèo, các địa phương đã triển khai thực hiện tốt các chính sách của Chương trình. Trong đó, các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… được lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo.

Trong những tháng đầu năm 2020, đã giải ngân cho 8.846 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn gần 262 tỷ đồng; ngân sách đã chi trên 60 tỷ đồng để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 178.800 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người sinh sống vùng kinh tế đặc biệt khó khăn và người sinh sống xã đảo; hỗ trợ tiền điện cho hơn 12.600 hộ nghèo trên 7,4 tỷ đồng... Ngoài ra, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, các cấp trong tỉnh đã chi xây dựng 133 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo với tổng kinh phí gần 5,9 tỷ đồng.

Mặt khác, đến nay, toàn tỉnh đã mở 11 lớp đào tạo nghề với 385 lượt người tham gia. Việc huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo được tích cực thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm nay, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể các cấp trong tỉnh đã huy động được hơn 78 tỷ đồng cho Chương trình an sinh xã hội và Quỹ “Vì người nghèo”.

Từ nguồn vận động và Quỹ “Vì người nghèo”, MTTQ các cấp trong tỉnh đã xây dựng 222 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Chương trình an sinh xã hội đã chi xây dựng cầu, đường, trường học, hệ thống nước sinh hoạt, hỗ trợ máy lọc nước, bồn chứa nước… đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, ngân sách đã chi hơn 347 tỷ đồng...

Tỉnh Tiền Giang cũng đã triển khai kịp thời gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang lập danh sách, chi hỗ trợ 12,738 tỷ đồng cho 12.131 người bán lẻ vé số trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các địa phương rà soát, lập danh sách đề nghị UBND tỉnh ra Quyết định chi hỗ trợ 23,9 tỷ đồng cho 15.931 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; chi 101,4 tỷ đồng cho 67.613 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và 105.120 người nghèo, cận nghèo với số tiền trên 78,8 tỷ đồng.

MAI HÀ

.
.
.