Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam: Góp phần nâng cao giá trị nông sản
Thời gian qua, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (viết tắt là Trung tâm) không chỉ kịp thời dự báo, phòng ngừa các loại dịch bệnh gây hại trên cây trồng, mà còn triển khai nhiều chương trình, dự án chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nhiều địa phương, góp phần nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân.
Công tác điều tra phát hiện, dự tính, dự báo các loại dịch bệnh trên cây trồng là nhiệm vụ chính và thường xuyên của Trung tâm.
Trung tâm chuyển giao cho Chi cục Trồng trọt và BVTV Tiền Giang mô hình nhân nuôi ong ký sinh để quản lý bọ cánh cứng hại dừa. |
LÀM TỐT CÔNG TÁC DỰ BÁO
Thời gian qua, nhờ nỗ lực trong công tác cập nhật số liệu hằng ngày, kiểm tra thăm đồng cũng như các thí nghiệm trong, ngoài nhà lưới, Trung tâm đã hoàn thành tốt công tác dự báo tình hình gây hại của các loại sâu bệnh trên cây trồng. Giám đốc Trung tâm Đỗ Văn Vấn cho biết, là đơn vị sự nghiệp của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), nhiệm vụ chính của Trung tâm là dự tính, dự báo sâu hại để có biện pháp đối phó, phòng ngừa sao cho sản xuất cây trồng đạt hiệu quả kinh tế nhất; đồng thời, bảo vệ được môi trường.
Trong điều kiện thời tiết biến đổi và môi trường bất lợi, hạn, mặn xâm nhập sâu, kéo dài nên công tác BVTV gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, hiện nay xuất hiện nhiều dịch hại mới như sâu năn trên lúa, rầy phấn trắng, rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá… Bên cạnh đó, một số dịch hại ngoại lai xâm nhập vào cây trồng nước ta, nên Trung tâm dồn sức cho công tác BVTV, bảo vệ sản xuất làm sao đạt hiệu quả nhất trong phòng trị.
Theo đó, Trung tâm đã phối hợp cùng các địa phương nắm sát diễn biến của sâu bệnh và đề ra các giải pháp để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng. Bên cạnh đó, Trung tâm cùng với Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh điều tra nắm bắt diễn biến một số dịch hại mới nổi để hạn chế thấp nhất khả năng gây hại.
Nhiều năm qua, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cái Bè tổ chức tập huấn, chuyển giao công nghệ kỹ thuật cho nông dân huyện. Trước đây, khi chưa có sự phối hợp, hỗ trợ của Trung tâm, nông dân huyện Cái Bè chủ yếu làm tự phát, hiệu quả năng suất cây trồng không cao. Thông qua việc tập huấn, người dân đã thay đổi trong cách trồng, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất đã hạn chế nhiều sâu bệnh, giúp cải thiện đáng kể năng suất cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân huyện Cái Bè. NGUYÊN PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM DỊCH VỤ NÔNG NGHIỆP HUYỆN CÁI BÈ NGUYỄN VĂN HẢI |
Riêng tỉnh Tiền Giang, Trung tâm hỗ trợ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh thực hiện quy trình nhân nuôi ong ký sinh để quản lý bọ cánh cứng hại dừa. Quy trình này Trung tâm đã chuyển giao cho Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh và Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh chuyển giao cho cấp huyện thực hiện khá tốt. Hiện nay, cán bộ cấp huyện cũng đã nhân nuôi được con ong này, góp phần quản lý bọ cánh cứng hại dừa trên địa bàn tỉnh khá tốt, cải thiện năng suất cây dừa, tăng thu nhập cho người dân.
Đồng thời, Trung tâm kết hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Tháp bàn giải pháp cụ thể hóa quy trình gieo sạ lúa né rầy trên vùng giáp ranh. Từ đó đã hình thành vùng gieo sạ lúa vùng giáp ranh khá bài bản, hạn chế bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, không còn tình trạng bùng phát rầy nâu như trước đây.
TRIỂN KHAI NHIỀU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Bên cạnh thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo, Trung tâm còn thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, đề án nghiên cứu khoa học. Cụ thể trong số đó là Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng biện pháp sinh học trong phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa giai đoạn 2017 - 2020”.
Tiếp bước những kết quả đạt được trong việc quản lý bọ cánh cứng hại dừa, năm 2019, Trung tâm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Dự án Khuyến nông Trung ương về “Tuyên truyền áp dụng biện pháp sinh học trong phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa Brontispa longissima tại các tỉnh trồng dừa trọng điểm”…
Trước sự phân bố nhanh và gây hại nghiêm trọng của sâu keo mùa thu hại ngô mới xuất hiện tại Việt Nam, Trung tâm được Cục BVTV cấp kinh phí thực hiện Đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái và biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu tại một số tỉnh phía Nam”. Từ đó, đề xuất biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu gây hại trên ngô đạt hiệu quả, bảo vệ an toàn cho sản xuất.
Còn trong vụ đông xuân 2018 - 2019, Trung tâm triển khai Đề tài “Nghiên cứu sự ảnh hưởng của giống và thuốc bảo vệ thực vật đến khả năng gây hại của sâu năn”. Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương thực hiện các Dự án IPM, VnSat…; thực hiện chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” giai đoạn 2 (2017 - 2021) ở 22 tỉnh, thành phía Nam, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên với mục đích nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng và thu gom, tiêu hủy vỏ bao bì thuốc BVTV…; thực hiện các thí nghiệm nghiên cứu về BVTV trong nhà lưới và ngoài đồng ruộng nhằm ứng dụng kỹ thuật BVTV trong quản lý dịch hại…
Với những thành tích trên, Trung tâm đã vinh dự được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2019.
QUẾ ANH