.

Khởi nghiệp từ "Sản phẩm khóm sạch"

Cập nhật: 15:24, 25/09/2020 (GMT+7)

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt hướng tới các sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường để khởi nghiệp. Tiêu biểu như mô hình “Sản phẩm khóm sạch” của chị Lý Thị Ngọc Hương (thị trấn Mỹ Phước).

Chia sẻ với chúng tôi, chị Hương cho biết: “Xuất phát ý tưởng khởi nghiệp từ cây khóm là do nhu cầu của thị trường và nhu cầu đầu ra của các hộ nông dân trồng khóm tại địa phương, tôi đã sản xuất dòng sản phẩm từ khóm thân thiện với môi trường. Trong thời gian qua, tôi tập trung sản xuất các mặt hàng: Kẹo khóm, nước ép khóm, nước màu khóm để cung cấp cho người tiêu dùng”.

Chị Lý Thị Ngọc Hương (phía trong).
Chị Lý Thị Ngọc Hương (phía trong) với sản phẩm khóm sạch do chị sản xuất.

Năm 2018, chị Hương được Hội LHPN thị trấn Mỹ Phước giới thiệu tham gia Lớp Kỹ năng quản lý kinh doanh cơ bản (do Hội LHPN tỉnh Tiền Giang phối hợp với tổ chức Na Uy tại Việt Nam tổ chức tại huyện Tân Phước), được trang bị các kỹ năng quản lý kinh doanh, xác định được mục tiêu kinh doanh, làm sổ sách bài bản, nắm bắt thị hiếu của khách hàng, quảng bá sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác làm ăn…, đã giúp chị kinh doanh thành công hơn.   

Chị Hương đã đăng ký nhãn hiệu sản phẩm với tên “Tâm Đức” để đặt cho cơ sở sản xuất sản phẩm khóm sạch của mình, với quan niệm: Trong kinh doanh cần phải đặt chữ “tâm” và “đức” lên hàng đầu. Chị Hương chia sẻ: “Khóm là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều protein, nhiều loại vitamin, chất xơ và các axit amin thiết yếu khác, không gây xơ cứng động mạch và làm giảm lượng cholesterol trong máu…

Hiện tại, cơ sở Tâm Đức sản xuất 3 sản phẩm sạch từ khóm: Kẹo khóm, nước ép khóm và nước màu khóm. Các sản phẩm đều đảm bảo từ nguồn nguyên liệu sạch, sản xuất không chất bảo quản, sử dụng giấy, hộp thân thiện với môi trường để gói kẹo khóm và đóng chai nước ép khóm, nước màu khóm, được nhiều người biết đến và ưa chuộng bởi chất lượng sản phẩm, sự uy tín, mẫu mã đẹp…".

Cơ sở hiện có 10 thành viên, được chị Hương phân bổ từng bộ phận và phân công giao việc một cách cụ thể như: Bộ phận quản lý tài chính, bộ phận bán hàng, bộ phận sản xuất…

Chị Hương đã mạnh dạn đầu tư cho cơ sở của mình: Xưởng sản xuất 200 m2; 5 nồi có công suất 100 kg kẹo khóm/lần; 1 nồi cô đặc nước màu khóm 10 lít/lần; 2 nồi nước ép khóm 50 lít/nồi cho 1 lần đun; máy đóng chai đạt chuẩn; tủ lạnh bảo quản nước ép khóm sau khi đóng chai. Khâu bảo quản nguyên liệu đầu vào được xây dựng nền lát gạch men phạm vi 10 m2, có hệ thống nước phun xịt các chất bụi còn bám trên trái khóm, gừng, hạnh…

Hệ thống máy móc gồm: 1 máy ép kẹo, 1 máy gói kẹo, 1 máy vô nước ép khóm đóng chai..., hạn chế tối đa các công đoạn làm thủ công nhằm giảm chi phí, tăng tiến độ trong sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, sản phẩm khóm của cửa hàng trung bình tiêu thụ khoảng 2 - 3 tấn khóm/ngày.

Chị Hương cũng cho biết, cơ sở còn một số khó khăn nhất định, mong được hỗ trợ vốn hoặc cho vay theo lãi suất ưu đãi. Chị sẽ tìm nơi cung cấp các bao bì mẫu mã từ giấy bạc, túi giấy để đặt hàng; phát triển kinh doanh, mở rộng nơi sản xuất, dòng sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tư liệu sản xuất đóng gói sản phẩm thân thiện với môi trường…

MỸ PHƯƠNG

 

.
.
.