Lễ khởi động lắp đặt thiết bị nhà máy điện mặt trời Sao Mai
Vật vã với mùa Covid kéo dài và suy thoái kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nguy cơ lan rộng, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đọ sức với cuộc sinh tồn khắc nghiệt, thì vẫn có những đơn vị khá vững vàng vượt qua cuộc sát hạch tự nhiên của thời vận.
Tại An Giang ngày 15-9, Tập đoàn Sao Mai (ASM) đã khởi động lắp đặt hệ thống thiết bị chính của Nhà máy điện mặt trời (giai đoạn II - huyện Tịnh Biên), với quĩ thời gian chỉ còn khoảng 100 ngày nữa là đến hạn chót 31-12-2020, ngày phát điện thương mại muộn nhất được hưởng giá mua điện ưu đãi 7,06UScent/kWh của Chính phủ. Trong khoảng thời gian 100 ngày tới, toàn thể cán bộ - công nhân của Tập đoàn cùng với các nhà thầu sẽ quyết tâm cao nhất để hoàn thành và đảm bảo COD đúng hạn.
Giai đoạn II của Nhà máy điện mặt trời Sao Mai có công suất 106Mwp, vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Đại diện Tập đoàn này cho hay, nhờ sự quan tâm, chia sẻ, đồng thuận cao của chính quyền các cấp và người dân địa phương nên việc thương thảo thống nhất về giá chuyển nhượng đất giữa người dân và nhà đầu tư rất nhanh chóng. Ngoài ra, các thủ tục hành chính cũng thuận lợi bởi tâm huyết của nhà đầu tư nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị trong tỉnh.
Mặc dù, so với năm 2019, thì mức giá đền bù cho người dân có đất trong dự án đã tăng gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, đại dịch và khủng hoảng kinh tế cũng tác động đến chi phí vận chuyển thiết bị tăng cao…. dẫn đến đội vốn đầu tư. Vượt qua những rào cản đó, Sao Mai Group vẫn chấp nhận chịu thiệt để thực hiện cam kết đúng thời hạn phát điện thương mại (COD) với EVN vào cuối năm nay. Đặc biệt khi thể hiện được ý chí nguyện vọng phát triển, quyết tâm thay đổi toàn diện, đưa huyện miền núi ngày càng khởi sắc.
Với tất cả sự quyết tâm và khẩn trương cao độ, Sao Mai sẽ hoàn thành tổng thể Nhà máy điện mặt trời có tổng công suất 210 MWp, trên diện tích khoảng 270 ha, vốn đầu tư chạm mốc 6.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Sao Mai Solar Farm hoàn toàn xứng đáng là công trình tiêu biểu nhất chào mừng Đại hội tỉnh Đảng bộ An Giang lần thứ XI và tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhân dịp này, Tập đoàn cũng đang chuẩn bị khánh thành Nhà máy nước uống thiên nhiên An Hảo (tại huyện Tri Tôn), có vốn đầu tư 120 tỷ đồng.
Trong quá trình thi công Nhà máy điện mặt trời Sao Mai dưới chân Núi Cấm, Tập đoàn đã phối hợp với Foodtech - đơn vị khoa học & công nghệ trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam khoan thăm dò mẫu địa chất - nước. Viện Pasteur - TP. Hồ Chí Minh đánh giá chất lượng thông qua các chỉ số khoáng vi lượng, với kết quả đạt chuẩn tốt và an toàn cho sức khỏe con người. Thương hiệu nước khoáng An Hảo xuất hiện lịch lãm như một hoàng tử của vùng Thất Sơn hùng vĩ, được ra đời trong thời Covid đáng nhớ.
Dẫn nguồn từ mạch nước ngầm tại vùng Bảy Núi, qua hệ thống lắng lọc hoàn toàn tự động và khử khuẩn bằng tia cực tím mặt trời, nước khoáng thiên nhiên tại đây được đóng chai trên dây chuyền khép kín tuyệt đối vô trùng. Sản phẩm giải khát thương hiệu An Hảo được đặt cùng tên với địa danh tại Thất Sơn. Thiên Cấm Sơn nổi tiếng không chỉ về cảnh sắc mệnh danh “Đà Lạt 2 - Miền Tây” mà còn chất chứa những gì thuộc về huyền thoại, đặc biệt là nguồn nước hàm lượng khoáng vi lượng tự nhiên, tốt cho sức khỏe và hương vị độc đáo chỉ có ở vùng đất uy linh.
Nhìn lại các công trình đặc trưng ở 2 huyện miền Núi Tri Tôn và Tịnh Biên, nhà đầu tư Sao Mai Group đang ngẫu nhiên tạo ra những xung lực mới về lợi thế cạnh tranh cho địa phương này. Trong tương lai, toàn vùng biên giới Tây Nam sẽ trở thành điểm sáng thu hút các nhà đầu tư khác, hứa hẹn một sự thay đổi mạnh mẽ ở An Giang trước thềm Đại hội Đảng nhiệm kỳ mới.
MAI NGUYỄN