.

Tiền Giang: Chủ động các biện pháp ứng phó với bão, lũ

Cập nhật: 10:05, 04/09/2020 (GMT+7)

Các ngành, cơ quan, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động ứng phó với mùa bão, lũ năm 2020, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Theo Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Võ Văn Thông, dự báo trong 4 tháng cuối năm 2020, Biển Đông có từ 6 - 8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có từ 3 - 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020.

Còn đối với lũ, dự báo mực nước cao nhất ở vùng hạ lưu sông Tiền tại TP. Mỹ Tho cao hơn mức báo động 3 xuất hiện vào giữa tháng 10 (từ 1,75 đến 1,85 m). Đối với khu vực nội đồng Tây Bắc Tiền Giang, mực nước đạt giá trị cao nhất từ 1,6 đến 1,8 m vào giữa tháng 11.

Để chủ động ứng phó với lũ, bão trong năm 2020, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ động các giải pháp phòng, chống. Cụ thể, Sở Xây dựng đã có Công văn 1669 về phòng, chống thiên tai và đảm bảo an toàn cho người, nhà ở, công trình xây dựng mùa mưa bão năm 2020.

Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị các địa phương, cơ quan, thực hiện việc rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị; kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị; đảm bảo an toàn cây xanh; có biện pháp sửa chữa, gia cường đối với các công trình gắn panô, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao; kiểm tra, rà soát mức độ an toàn chịu lực và ổn định của công trình tháp (trụ) viễn thông, truyền hình…

Chặt, mé cây xanh trên đường Ấp Bắc, TP. Mỹ Tho.
Chặt, mé cây xanh trên đường Ấp Bắc, TP. Mỹ Tho.

Các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Trong đó, từ cuối tháng 7, TP. Mỹ Tho đã triển khai công tác chặt, mé, hạ tàn cây xanh.

Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Mỹ Tho Phạm Hoàng Bảo cho biết: “Đến nay, Phòng đã hoàn thành công tác chặt mé cây xanh trên các tuyến đường Phan Bội Châu, Rạch Gầm, Nguyễn Trãi. Dự kiến đến giữa tháng 10, Phòng hoàn thành kế hoạch chặt mé cây xanh trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Phòng cũng đã triển khai khơi thông, vét bùn cống rãnh để phòng, chống ngập úng”.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (gọi tắt là Ban Chỉ huy) tỉnh, đến nay Ban Chỉ huy tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó với lũ, bão. Trong đó, trước mắt Ban Chỉ huy tỉnh đã đẩy mạnh các biện pháp phi công trình như: Tập huấn, tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân, nhất là nhân dân ở các xã cù lao, vùng trũng thấp, vùng ven biển, ven cửa sông, ven sông, kinh, rạch kiến thức về phòng, chống thiên tai và các biện pháp ứng phó khi có gió bão, triều cường làm ngập, đổ ngã nhà cửa, kho tàng và cây cối…

Đối với các giải pháp khác, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy tỉnh Nguyễn Thiện Pháp cho biết, Ban Chỉ huy tỉnh đã tổ chức kiểm tra toàn bộ hệ thống đê điều, các công trình ngăn mặn, ngăn lũ, triều cường; xây dựng kế hoạch duy tu, sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo phòng, chống thiên tai; xây dựng phương án hộ tương ứng với từng tuyến, từng khu vực trọng điểm theo phương châm “4 tại chỗ” sát thực với điều kiện thực tế của địa phương; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thuộc các nguồn vốn xây dựng cơ bản, thủy lợi phí, phòng chống thiên tai, thủy lợi nội đồng, sạt lở.

Cùng với đó, Ban Chỉ huy tỉnh xác định những địa bàn xung yếu có khả năng bị ánh hưởng của lũ, bão, áp thấp nhiệt đới; những điểm an toàn để chủ động bố trí sơ tán dân khi có tình huống xấu xảy ra; đồng thời, vận động các hộ dân có điều kiện chủ động triển khai xây dựng mô hình tránh trú bão kết hợp với sinh hoạt gia đình, chuẩn bị vật tư chằng chống nhà cửa, lương thực cần thiết trong mùa mưa bão.

CAO THẮNG

 

.
.
.