.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì họp khẩn ứng phó bão số 9

Cập nhật: 17:41, 27/10/2020 (GMT+7)
a
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Trưa 27-10, tại Ban Chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9 đóng tại TP Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì buổi họp khẩn với lãnh đạo TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, chỉ đạo triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với bão số 9.

Theo báo cáo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, đây là cơn bão mạnh, có nhiều hình thái đặc biệt khi hình thành từ vùng biển Philippines và nhanh chóng vào Biển Đông. Do không có không khí lạnh, thời tiết thuận lợi cho bão mạnh lên và đi rất nhanh, tốc độ 25 đến 30 km/giờ, diện ảnh hưởng của bão rất lớn và sức gió suy giảm chậm ngay sau khi đã đổ bộ vào đất liền. Dự báo, sáng sớm mai, 28-10, bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh Trung Trung Bộ, từ Đà Nẵng đến Phú Yên, tâm bão có khả năng sẽ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thông tin: Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên dự kiến sẽ sơ tán khoảng 450 nghìn người dân ở khu vực nguy hiểm ven biển, ven sông suối, vùng sạt lở đất, đá.
Hiện tại, đã có 45.009 tàu cá với gần 230 nghìn lao động đã vào neo đậu an toàn, còn 142 tàu cá tỉnh Bình Định với 1.118 lao động đang ở khu vực nguy hiểm, đều đã nhận được thông tin về cơn bão và đang di chuyển về phía nam để trú tránh. Ở các cảng Đà Nẵng, Quy Nhơn có 223 tàu vận tải đã được neo đậu an toàn. Các địa phương đang tổ chức gia cố, sơ tán người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Đối với các hồ đập thủy lợi và hồ thủy điện đều đang được kiểm tra, gia cố, những hồ có mực nước cao đều đang xả tràn để đón đợt lũ mới, góp phần ngăn lũ cho hạ du khi bão vào gây mưa lớn.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, đồng chí Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Tất cả tàu cá của Đà Nẵng và các địa phương bạn vào trú tránh đều được neo đậu an toàn tại âu thuyền Thọ Quang và các khu vực dọc theo sông Hàn. Đà Nẵng đang khẩn trương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tự chằng chống nhà cửa, phương tiện đi lại.

Các công trình đang xây dựng đều tạm dừng hoạt động, hạ cần cẩu, thang máy bên ngoài, tháo dỡ tôn che tạm bợ, giàn giáo... để bảo đảm an toàn; kể từ 20 giờ tối nay, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết cho đến khi có thông báo mới. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ làm việc trong ngày 28-10.

Còn tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh: Ngoài việc hoàn thành sơ tán gần 130 nghìn người dân ở ven biển, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương miền núi, nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá di dời dân đến nơi an toàn, dự trữ lương thực, thực phẩm, phương tiện ứng cứu... theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp khẩn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Thời điểm bão đổ bộ vào đất liền trùng với triều cường nên khả năng sóng lớn, nước biển dâng và tràn sâu vào đất liền gây ngập lụt. Vì vậy, cần nâng cao mức độ cảnh giác để bảo đảm an toàn.

“Ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân, Chính phủ sẽ huy động tối đa các nguồn lực, nhất là quân đội, công an... để ứng cứu khi có sự cố xảy ra”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

a
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Thọ Quang.

Ngay sau cuộc họp khẩn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại cảng Thọ Quang. Tại đây, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm việc đưa người ra khỏi tàu đã neo đậu an toàn, đồng thời đưa bình gas, các vật dụng dễ cháy nổ ra khỏi tàu, đề phòng khi va đập gây cháy nổ.

Chiều nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó bão số 9 tại tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Theo nhandan.com.vn
 

.
.
.