.

Phụ nữ khởi nghiệp, góp phần giảm nghèo

Cập nhật: 08:09, 27/10/2020 (GMT+7)

Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang phát huy nội lực, tinh thần trách nhiệm trong việc huy động các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội và phong trào phụ nữ tỉnh nhà.

HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC

Các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã nghiên cứu, triển khai thực hiện hiệu quả nhiều mô hình, cách làm hay hỗ trợ chị em phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế, khởi nghiệp, thoát nghèo bền vững như: Hỗ trợ thành lập hợp tác xã, việc làm cho phụ nữ, phụ nữ phát triển kinh tế; các mô hình “Tổ hợp tác may gia công giày”, “Phụ nữ tiểu thương”, “Phụ nữ buôn bán nhỏ”, “Liên kết trong sản xuất”, “Góp vốn xoay vòng”, “Tiết kiệm tín dụng”, “Tiết kiệm tại chi, tổ Hội”... Qua đó, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, khích lệ tinh thần học tập, lao động, sáng tạo của chị em.

Cơ sở may túi xách của chị Bạc góp phần giải quyết việc làm cho nhiều chị em phụ nữ.
Cơ sở may túi xách của chị Bạc góp phần giải quyết việc làm cho nhiều chị em phụ nữ.

Bên cạnh đó, các cấp Hội có nhiều giải pháp, hình thức giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, trong đó đã tích cực huy động các nguồn vốn: Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo…; đồng thời, huy động vốn nội lực trong lực lượng phụ nữ giúp nhau không lãi, tham gia các loại hình tiết kiệm giúp phụ nữ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình. Kết quả, trong 5 năm qua, các cấp Hội đã hỗ trợ, giúp đỡ 42.681 lượt phụ nữ nghèo, 31.486 lượt phụ nữ chủ hộ nghèo; kết quả có 2.671 hộ thoát nghèo, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Gò Công Tây Lê Thị Kiều Chinh cho biết, thời gian qua, các cấp Hội của huyện đã vận động, hướng dẫn hội viên, phụ nữ có những ý tưởng mới, cách làm mới trong lao động, sản xuất; mạnh dạn tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở địa phương; hỗ trợ phụ nữ tiếp cận khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập. Theo đó, Hội đã vận động chị em xây dựng ý tưởng khởi sự kinh doanh, có 13 ý tưởng đăng ký tham gia Hội thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2019; kết quả có 2 ý tưởng được vào vòng chung kết, trong đó ý tưởng khởi nghiệp trồng nấm bào ngư của chị Đồng Thị Thu Hoài, Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Trường Phát xã Thạnh Trị đạt giải Nhất hội thi.

Theo Chủ tịch Hội LHPN TP. Mỹ Tho Phạm Thị Ngọc Vân, phong trào phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế luôn được các cấp Hội LHPN thành phố đẩy mạnh thực hiện. Chị em phụ nữ đã mạnh dạn khởi nghiệp với nhiều mô hình kinh doanh đạt hiệu quả. Chẳng hạn như qua lớp khởi sự kinh doanh, chị Nguyễn Thị Hạnh Nhi, phường 8, TP. Mỹ Tho đã có sự đầu tư phát triển hơn cho ý tưởng khởi nghiệp bán hủ tiếu của mình. Đến nay, việc kinh doanh quán hủ tiếu của chị Nhi ổn định và tạo việc làm cho những người trong gia đình cũng như hội viên, phụ nữ ở khu phố trong việc phụ chị bán hủ tiếu.

TẠO VIỆC LÀM CHO PHỤ NỮ

Dám nghĩ, dám làm, không bỏ cuộc là những yếu tố để ngày nay cô thợ may May Thị Thu Ba trở thành chủ Cơ sở may Nhật Nam (ấp 2, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho). Hơn 10 năm xây dựng thương hiệu “Nhật Nam”, đến nay Cơ sở may Nhật Nam không chỉ có chỗ đứng vững chắc trên địa bàn TP. Mỹ Tho, trong tỉnh, mà còn ở các tỉnh lân cận. Cơ sở may Nhật Nam của chị Thu Ba chủ yếu nhận may đồng phục học sinh. Hiện cơ sở may của chị giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 nhân công, chủ yếu là lao động trên địa bàn, với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Cơ sở may Nhật Nam của chị Thu Ba giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 nhân công là chị em phụ nữ.
Cơ sở may Nhật Nam của chị Thu Ba giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 nhân công là chị em phụ nữ.

Hay với việc khởi nghiệp từ chiếc máy may cũ không chỉ mang đến cho gia đình chị Tạ Thị Bạc, khu phố 1, phường 10, TP. Mỹ Tho cuộc sống ổn định, mà còn tạo việc làm cho gần 20 chị em phụ nữ trong khu phố. Trước đây, chị Bạc làm công nhân may giỏ xách tại khu công nghiệp; còn chồng chị làm đá hoa cương cho các công trình. Khi mang bầu, sinh em bé, chị Bạc nghỉ việc ở nhà chăm sóc gia đình.

Để chia sẻ gánh nặng với chồng, chị Bạc quyết định vay vốn mua một chiếc máy may cũ (trị giá 5 triệu đồng) để nhận hàng về may tại nhà. Sau đó, chị mạnh dạn vay vốn từ Quỹ Phát triển kinh tế gia đình của Hội LHPN, Quỹ Giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua thêm máy may. Hiện tại, cơ sở may của chị Bạc có trên 10 máy may, với 5 chị em phụ nữ may tại chỗ và 15 chị em nhận hàng về may tại nhà, chủ yếu là may gia công túi xách bằng vải bố, vải không dệt thân thiện với môi trường.

Chị Bạc cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở của chị may hơn 1.000 túi xách và 2 ngày giao hàng 1 lần, sau khi chi trả tiền công cho thợ trung bình mỗi người khoảng 150.000 đồng/ngày, nguồn thu nhập mang lại cho gia đình chị hằng tháng cũng khá. Đúc kết kinh nghiệm khởi nghiệp, chị Bạc cho rằng: “Khởi nghiệp dù khó nhưng có quyết tâm là sẽ làm được”.

Còn cơ sở may túi xách của chị Nguyễn Thị Nữa, ở ấp Quý Phước, xã Nhị Quý, TX. Cai Lậy được thành lập hơn 10 năm nay và hiện có hơn 50 chị em tham gia may giỏ xách cho cơ sở. Cô Trần Thị Lê (năm nay đã hơn 60 tuổi) đang làm việc cho cơ sở may túi xách của chị Nữa cho biết: “Hai vợ chồng tôi làm ở đây đã gần 2 năm, chủ yếu là cắt chỉ và xếp giỏ; do mắt không còn nhìn rõ nên không trực tiếp may. Làm ở đây công việc nhẹ, thu nhập cũng ổn định, đủ trang trải cho cuộc sống nên vợ chồng không phải sống phụ thuộc vào con cái”.

Với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã và đang khơi nguồn cho hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh phát triển kinh tế, xóa khó giảm nghèo. Hoạt động này giúp phụ nữ có những đóng góp tích cực trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

PHƯƠNG MAI

.
.
.