.

Năm 2021, chưa điều chỉnh mức lương cơ sở

Cập nhật: 18:12, 12/11/2020 (GMT+7)

Chiều 12-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021  với tỷ lệ tán thành lên đạt tỷ lệ 92,53% tổng số đại biểu Quốc hội.

a
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết chiều 12-11. Ảnh: PHAN THẢO

Quốc hội giao Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021,  trong đó đáng chú ý trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo.

Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; cải cách, hiện đại hóa hệ thống cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai; đẩy nhanh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo đề án đã được phê duyệt.

Riêng về mức lương cơ sở, Nghị quyết  nêu rõ trong năm 2021 không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

a
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị  quyết chiều 12-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.343.330 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.687.000 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: bội chi ngân sách trung ương là 318.870 tỷ đồng, tương đương 3,7%GDP; bội chi ngân sách địa phương là 24.800 tỷ đồng tương đương 0,3%GDP. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 608.569 tỷ đồng.

Trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải đã báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Theo đó,  tổng thể năm 2020, thu nội địa, thu từ dầu thô và thu cân đối hoạt động xuất, nhập khẩu đều không đạt dự toán và 3 khoản thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều giảm mạnh so cùng kỳ năm 2019; nợ đọng thuế đến nay còn cao, tăng 23,3% so với thời điểm ngày 31-12-2019. Nguyên nhân chủ yếu do tác động của đại dịch Covid-19, tình hình thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Về dự toán NSNN năm 2021, theo ông Nguyễn Đức Hải dự toán thu nội địa năm 2021 tăng 5,6% so với ước thực hiện năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do dự kiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn. Bên cạnh đó, một số nguồn thu lớn từ các sản phẩm đã ổn định, khó tăng trưởng cao như than, ô tô, bia, thuốc lá, thủy điện, chế biến dầu khí,... Nếu loại trừ các nguồn thu ổn định này và các khoản thu đột biến phát sinh trong năm 2020 sang năm 2021 không còn thì các nguồn thu thuế, phí còn lại của năm 2021 đã dự kiến tăng 7,8% so với ước thực hiện năm 2020. Đây là mức tăng thu phù hợp trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn. Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các biện pháp chống thất thu, thu hồi nợ đọng và nghiên cứu rà soát lại chính sách thu theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội.

Về Dự thảo Nghị quyết dự toán NSNN năm 2021, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 122/2020/QH14, trong đó quy định “chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở và lương hưu từ ngày 1-7-2020. Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội đã báo cáo cụ thể tình hình thu NSNN năm 2020 hụt thu so với dự toán; dự toán thu cân đối NSNN năm 2021 giảm so với dự toán năm 2020, nên chưa cân đối được nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp xã hội và trợ cấp hàng tháng (đối tượng do NSNN bảo đảm), trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2020 và năm 2021, cũng như điều chỉnh chuẩn nghèo cho giai đoạn tới.

Về việc ưu tiên điều chỉnh mức tăng trợ cấp người có công, lương hưu và trợ cấp cho những người về nghỉ hưu trước năm 1995, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có tổng kết, đánh giá và xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp, báo cáo Quốc hội theo hướng ưu tiên hơn cho đối tượng này trong thời gian tới.

Cũng trong chiều 12-11, Quốc hội họp riêng về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; dự thảo Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.