.
THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIA ĐÌNH GIAI ĐOẠN 2010 - 2020:

Chung tay xây dựng những "tế bào xã hội" lành mạnh, ấm no, hạnh phúc

Cập nhật: 10:36, 27/11/2020 (GMT+7)

Với quan điểm “đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững”, 10 năm qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác gia đình (CTGĐ) tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các ngành, các cấp cụ thể hóa nhiều chủ trương, chính sách, đề án về CTGĐ. Qua đó đã nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc chung tay xây dựng những “tế bào xã hội” lành mạnh, ấm no, hạnh phúc.

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT

Những năm qua, CTGĐ trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản liên quan đến CTGĐ và phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) của Trung ương và địa phương. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, trong đó công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp. Đã xây dựng 196 tiểu phẩm có nội dung về văn hóa gia đình; có 95% hộ gia đình được tuyên truyền, phổ biến và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, PCBLGĐ, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; 95% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình và PCBLGĐ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện công tác gia đình. Ảnh: THU HOÀI
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện công tác gia đình. Ảnh: THU HOÀI

Riêng BCĐ CTGĐ tỉnh đã tổ chức 70 cuộc tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho 4.987 lượt cán bộ các ngành, đoàn thể cấp huyện, cấp xã và 6.789 lượt ban chủ nhiệm CLB ấp, khu phố về CTGĐ. Qua đó đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CTGĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các mô hình về gia đình được thực hiện và ngày càng được nhân rộng. Đến nay, Tiền Giang đã xây dựng và duy trì hoạt động của 684 CLB Gia đình hạnh phúc bền vững, 392 Đội PCBLGĐ, 462 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và hơn 800 CLB do các ngành, đoàn thể xây dựng.

Hầu hết các CLB, Đội PCBLGĐ và Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động và duy trì sinh hoạt hằng tháng, quý, tạo thành mạng lưới về PCBLGĐ rộng khắp trên toàn tỉnh, tác động tình trạng bạo lực gia đình đã giảm đáng kể (trung bình hằng năm giảm từ 30% đến 40%), cuối năm 2019 toàn tỉnh có trên 424.000 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 94% và có 148/172 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt tỷ lệ trên 86%. Qua việc thực hiện CTGĐ, UBND, các ngành, các cấp đã khen thưởng 598 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức triển khai thực hiện các đề án về CTGĐ; tuyên dương 7.680 hộ gia đình điển hình tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa nhân các buổi họp mặt Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3…

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CTGĐ

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, CTGĐ còn một số hạn chế, yếu kém: BCĐ CTGĐ ở một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức CTGĐ, PCBLGĐ, chủ yếu giao khoán cho công chức văn hóa - xã hội. Công tác tuyên truyền về CTGĐ, PCBLGĐ chưa thường xuyên, còn mang nặng hình thức, thiếu tính sáng tạo. Sự phối hợp tổ chức triển khai thực hiện giữa các ngành, đoàn thể chưa đồng bộ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của BCĐ các cấp; công chức văn hóa - xã hội cấp xã kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ và thường xuyên thay đổi; kinh phí tổ chức hoạt động CTGĐ, PCBLGĐ không được phân bổ riêng…

 Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Đức Đảm trao Bằng khen cho các gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền.                                                                               Ảnh: THU HOÀI
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Đức Đảm trao Bằng khen cho các gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền. Ảnh: THU HOÀI

Để khắc phục những hạn chế này, thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các ngành, đoàn thể, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện CTGĐ, PCBLGĐ gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia PCBLGĐ và các vấn đề có liên quan đến gia đình.

Nâng cao nhận thức của các thành viên gia đình và cộng đồng về vai trò, vị trí của gia đình trong giai đoạn hiện nay. Tăng cường công tác đào tao, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ làm CTGĐ, PCBLGĐ. Đưa nội dung giáo dục tiền hôn nhân cho học sinh trung học phổ thông, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ em, phòng chống bạo lực trong học đường. Tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp liên ngành đi vào chiều sâu.

Thành lập, duy trì, nhân rộng các mô hình  PCBLGĐ hoạt động có hiệu quả: Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, Đội PCBLGĐ, CLB Gia đình phát triển bền vững, Tổ tư vấn, Số điện thoại đường dây nóng… Đồng thời, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình nạn nhân bạo lực gia đình được tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân, gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về các vấn đề có liên quan đến gia đình, PCBLGĐ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, gia đình, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện CTGĐ, PCBLGĐ.

THANH LAN

.
.
.