.
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN THÔNG VỀ DÂN SỐ TỈNH TIỀN GIANG ĐẾN NĂM 2030:

Để mỗi người hiểu và chuyển đổi hành vi

Cập nhật: 14:19, 14/12/2020 (GMT+7)

Ngày 10-12 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng ký ban hành kế hoạch Chương trình Truyền thông về dân số tỉnh Tiền Giang đến năm 2030.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 của Chương trình là truyền thông, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, chuyển đổi hành vi và đồng thuận tích cực của toàn xã hội trong việc giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số; lồng ghép các vấn đề dân số trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Tiền Giang.

 Một buổi nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh trong học sinh.
Một buổi nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh trong học sinh.

NHIỀU KHÓ KHĂN,THÁCH THỨC

Trong thời gian qua, công tác truyền thông, giáo dục dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã được triển khai sâu rộng, thường xuyên ở tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng, gia đình và từng nhóm đối tượng. Các hoạt động truyền thông đã phát huy hiệu quả, góp phần cung cấp thông tin chính thống, đa chiều, kịp thời về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, từng bước tạo sự ủng hộ và đồng thuận cao trong triển khai thực hiện chương trình, mục tiêu y tế - dân số trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, công tác truyền thông cũng đối mặt với những khó khăn và thách thức như: Mức sinh giảm nhanh; mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tăng; già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ nhanh; lợi thế của cơ cấu “dân số vàng” chưa được phát huy hữu hiệu; các vấn đề về sức khỏe sinh sản còn nhiều hạn chế; nội dung truyền thông vẫn còn tập trung vào kế hoạch hóa gia đình chưa chú ý nhiều đến các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố dân cư, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số... Những vấn đề này đòi hỏi công tác truyền thông phải tiếp cận toàn diện các vấn đề trên; đồng thời, đổi mới nội dung và hình thức để phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng nhóm đối tượng.

Cơ cấu và tổ chức bộ máy làm công tác dân số liên tục có nhiều biến động đã ảnh hưởng đến tư tưởng đội ngũ làm công tác dân số. Đội ngũ cộng tác viên dân số thường xuyên thay đổi và tinh gọn. Kiến thức kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông, giáo dục chưa đồng đều.  Tài liệu truyền thông theo nội dung, thông điệp mới chậm được xây dựng. Thực tế này đã ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện công tác truyền thông, giáo dục về dân số.

Từ khi chuyển từ cơ chế Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ sang Chương trình mục tiêu y tế - dân số, nguồn kinh phí của lĩnh vực dân số từ nguồn trung ương đã giảm đáng kể; đầu tư ngân sách của địa phương cho các hoạt động truyền thông dân số chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Những điều này đòi hỏi công tác truyền thông dân số phải thay đổi cách tiếp cận, phương pháp tổ chức thực hiện phù hợp với khả năng của nguồn lực để mang lại hiệu quả cao.

Chính sách xã hội hóa công tác dân số, đặc biệt là trong công tác truyền thông còn nhiều hạn chế bởi tâm lý bao cấp còn nặng nề trong khi thị trường phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình chưa phát triển, thiếu cơ chế và giải pháp. Do đó, đòi hỏi công tác truyền thông dân số phải được đẩy mạnh để huy động nguồn lực đầu tư cho công tác dân số.

TẬP TRUNG THỰC HIỆN 6 MỤC TIÊU

Thứ nhất, công tác truyền thông về dân số trong giai đoạn 2020 - 2030 phải tập trung thực hiện sâu rộng, đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở để huy động sự tham gia và cam kết với công tác dân số thông qua đầu tư nguồn lực, lồng ghép các vấn đề dân số trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, truyền thông vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con, góp phần duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Phấn đấu đến năm 2025, có 90% và đến năm 2030, có 95% các cặp vợ chồng, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin về cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con; quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; hệ lụy của mức sinh thấp; lợi ích của việc thực hiện các biện pháp tránh thai, duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Đến năm 2025, có 85% và đến năm 2030, có 90% các cặp vợ chồng, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết đầy đủ về lợi ích của cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con. Đến năm 2025, có 85% và đến năm 2030, có 90% các cặp vợ chồng, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẵn sàng chấp nhận thực hiện kế hoạch hóa gia đình, cam kết sinh đủ 2 con.

Thứ ba, truyền thông nâng cao nhận thức của toàn xã hội về lợi ích của việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giá trị và quyền bình đẳng của trẻ em gái và không thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi.

Thứ tư, truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết, kỹ năng của người dân về tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh; tuyên truyền thay đổi hành vi của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Thứ năm, truyền thông nâng cao nhận thức, thái độ, kỹ năng thực hành của vị thành niên, thanh niên và đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên nhằm giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn.

Thứ sáu, chương trình truyền thông dân số đến năm 2030 hướng đến là truyền thông nâng cao nhận thức, tạo môi trường đồng thuận và tích cực tham gia của toàn xã hội vào việc hỗ trợ, chăm sóc nâng cao sức khỏe người cao tuổi.

Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, kế hoạch truyền thông đã nêu cụ thể giải pháp thực hiện, phân công trách nhiệm của từng sở, ngành, đoàn thể và UBND từng cấp.

THỦY HÀ

 

.
.
.