Thứ Hai, 11/01/2021, 20:26 (GMT+7)
.

Mặn bắt đầu tấn công các cửa sông ĐBSCL

Ngày 11-1, một số địa phương tại ĐBSCL đã tiến hành cho đóng các cống tại các cửa sông để ngăn mặn “tấn công” và giữ nước ngọt.

Cống Bà Xẫm (Long Phú, Sóc Trăng), nơi ghi nhận độ mặn 3,2 ‰ vào sáng 11-1
Cống Bà Xẫm (Long Phú, Sóc Trăng), nơi ghi nhận độ mặn 3,2 ‰ vào sáng 11-1.

Báo cáo nhanh từ phòng NN-PTNT huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, độ mặn ghi nhận vào sáng 11-1 tại các cửa sông, cống bắt đầu tăng. Cụ thể, tại bến phà Đại Ân là 6,5 ‰, cống Bà Xẫm 3,2 ‰, cống Cái Oanh 0,8 ‰...

Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Long Phú cho biết, để ứng phó với mặn tấn công, hiện địa phương đã triển khai đóng tất cả các cống để giữ nước ngọt bên trong. Có thể thấy, mặc dù tình hình xâm nhập mặn đến muộn hơn mùa khô năm 2020, tuy nhiên diễn biến hạn mặn của năm nay dự báo vẫn khó lường nên bà con không được chủ quan.

Thông tin từ website của Ủy hội sông Mê Công quốc tế cho biết, lưu lượng xả ra từ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) xuống hạ lưu sẽ giảm xuống còn khoảng 1.000 m³/s các ngày từ 5-1 đến 24-1 (giảm xấp xỉ 900 m³/s so với trước đó). Đây được xem là yếu tố bất lợi cho sản xuất trên đồng bằng khi mà lưu vực sông Mê Công đang ở thời kỳ đầu mùa khô năm 2020 - 2021.

Xâm nhập mặn vào mùa khô năm 2019-2020 gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương tại ĐBSCL.
Xâm nhập mặn vào mùa khô năm 2019-2020 gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương tại ĐBSCL.

Liên quan đến thủy điện Cảnh Hồng giảm lưu lượng xả, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam đã có báo cáo đột xuất dự báo: “Việc giảm xả thủy điện Trung quốc sẽ ảnh hưởng đến ĐBSCL vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2 (dự báo từ 25-1 đến 25-2). Thời kỳ ảnh hưởng lớn nhất đúng vào dịp Tết, mặn có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông”.

Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam khuyến cáo, nguồn nước ngọt vùng ven biển ĐBSCL có nguy cơ bị thiếu hụt cao giữa mùa khô, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long cao ngay ở tháng 1, tháng 2, duy trì cao trong tháng 3, giảm dần ở tháng 6. Theo đó, cần chủ động các giải pháp bơm trữ nước, cấp nước sinh hoạt, kiểm soát chặt chẽ các cống kiểm soát mặn và tích trữ nước phục vụ sản xuất giảm thiểu thiệt hại mặn lên cao ở đầu tháng 2.
 
(Theo https://www.sggp.org.vn/man-bat-dau-tan-cong-cac-cua-song-dbscl-708128.html)
.
.
.