.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG:

Giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận của Tổ đại biểu HĐND tỉnh

Cập nhật: 08:27, 27/02/2021 (GMT+7)

II. ĐỐI VỚI NHÓM TỜ TRÌNH KÈM THEO DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT

1. Nhóm Nghị quyết về đầu tư công

1.1 Đại biểu thống nhất Danh mục đầu tư công năm 2021 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, đại biểu góp ý tỉnh chưa quan tâm ưu tiên đầu tư các công trình bức thiết về môi trường, chưa thể hiện được nguồn lực đầu tư các công trình phòng, chống hạn, mặn và biến đổi khí hậu. Trong bố trí vốn cần đầu tư tập trung đảm bảo đúng quy mô theo quy hoạch, tránh việc đầu tư dàn trải, giảm quy mô công trình, làm hạn chế phát huy hiệu quả nguồn lực trong giai đoạn sau.

Giải trình:

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư các công trình bức thiết về môi trường, chưa thể hiện được nguồn lực đầu tư các công trình phòng, chống hạn, mặn và biến đổi khí hậu, cụ thể như sau:

- Đối với các công trình bảo vệ môi trường: Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 là 19,2 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương 5 tỷ đồng và vốn nước ngoài - ODA 14,2 tỷ đồng); dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, các công trình thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ được bố trí khoảng 627,0 tỷ đồng (trong đó có 2 dự án: Cải thiện môi trường đô thị TX. Gò Công với số vốn 180 tỷ đồng và cải thiện môi trường đô thị Mỹ Tho với số vốn 270 tỷ đồng…).

- Đối với các công trình phòng, chống hạn, mặn, biến đổi khí hậu: Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 là 340,5 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương 75,5 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 265 tỷ đồng); trong đó: Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 (giai đoạn 1) được bố trí 100,0 tỷ đồng và các công trình phòng, chống hạn, mặn, trữ ngọt được bố trí 16 tỷ đồng. Dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, các công trình nông nghiệp, thủy lợi, phòng, chống hạn, mặn, biến đổi khí hậu sẽ được bố trí 5.774,7 tỷ đồng, với các công trình quan trọng như: Nâng cấp đê biển Gò Công II với số vốn 1.350 tỷ đồng; đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 (giai đoạn 1) với số vốn 720 tỷ đồng; xử lý sạt lở sông Tiền tại cù lao Thới Sơn với số vốn 360 tỷ đồng; kè chống sạt lở cồn Ngang với số vốn 225 tỷ đồng…

1.2. Hiện nay, trụ sở làm việc của công an xã nhiều nơi chưa đảm bảo theo quy định, đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc cho công an xã trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công an xem xét lại quy định trụ sở làm việc của công an xã phải đảm bảo diện tích từ 1.000 m² trở lên, vì tiêu chuẩn này rất khó thực hiện, quỹ đất công tại địa phương không đảm bảo.

Giải trình:

Kế hoạch đầu tư công năm 2021, việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của công an, quân sự xã, phường, thị trấn được bố trí 13 tỷ đồng, dự kiến kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, lĩnh vực an ninh - quốc phòng bố trí 361,9 tỷ đồng để đầu tư các trụ sở công an, quân sự của các xã, phường, thị trấn và các công trình đảm bảo an ninh - quốc phòng khác.

Ngày 28-12-2020, Công an tỉnh có Công văn 3977 gửi lãnh đạo Cục H02 - Bộ Công an về việc báo cáo các xã không đủ diện tích đất xây dựng trụ sở công an xã, thị trấn. Theo đó, Công an tỉnh đã báo cáo Bộ Công an như sau: Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đầu tư xây dựng 139/143 trụ sở công an xã (đã xây dựng 4 trụ sở công an xã), bao gồm: 45 xã có khu đất công với diện tích từ 1.000 m2 đến 2.000 m2, 22 xã có khu đất công với diện tích từ 400 m2 đến nhỏ hơn 1.000 m2 và 72 xã đang quy hoạch vị trí xây dựng trụ sở công an. Đồng thời, kiến nghị Cục H02 - Bộ Công an chấp thuận vị trí, diện tích của 22 khu đất công có diện tích từ 400 m2 đến nhỏ hơn 1.000 m2 để đầu tư xây dựng 22 trụ sở công an xã.

1.3. Đề nghị UBND tỉnh khẩn trương có giải pháp tạm thời về hệ thống xử lý nước thải tại Cơ sở Cai nghiện ma túy cũ để đảm bảo vệ sinh môi trường, trong khi chờ hoàn thành Cơ sở Cai nghiện ma túy giai đoạn 2; đưa tuyến đường huyện 12D (đê Xuân Hòa - cầu Ngang) huyện Gò Công Tây vào kế hoạch đầu tư công năm 2021, vì đây là tuyến đường có vai trò kết nối các khu vực trên địa bàn huyện, đồng thời góp phần hoàn thành Tiêu chí số 2 về giao thông để huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Giải trình:

UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư Dự án Cơ sở Cai nghiện ma túy giai đoạn 2 (Ban Quản lý dự án công trình dân dụng và công nghiệp) yêu cầu đơn vị thi công sớm đầu tư hoàn thành trước hệ thống xử lý nước thải dự án Cơ sở Cai nghiện ma túy giai đoạn 2.

Đối với tuyến đường huyện 12D (đê Xuân Hòa - cầu Ngang), huyện Gò Công Tây đã được UBND huyện Gò Công Tây đưa vào kế hoạch đầu tư công năm 2021 của huyện.

2. Nghị quyết thông qua danh mục bổ sung công trình, dự án thực hiện năm 2021 phải thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Việc mở rộng Khu sinh thái Đồng Tháp Mười đã có chủ trương, đến nay hơn 10 năm nhưng chưa thực hiện, gây khó khăn cho người dân. Nội dung này đã phản ánh nhiều lần nhưng chưa thực hiện. Đề nghị tỉnh nên tập trung bố trí vốn thực hiện giải tỏa 1 lần, không nên phân kỳ đầu tư sẽ gây khó khăn trong đền bù do có sự chênh lệch về giá đất giữa các hộ thu hồi trước và thu hồi sau.

Giải trình:

UBND tỉnh đã phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng vùng đệm Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười tại Quyết định 2571 ngày 28-8-2020. Theo đó, tại khoản 6, Điều 1 có nội dung phê duyệt:
“6. Tổng mức đầu tư:

- Tổng mức đầu tư: 1.965,407 tỷ đồng (một ngàn chín trăm sau mươi lăm tỷ bốn trăm lẻ bảy triệu đồng).

- Vốn ngân sách tỉnh: Đầu tư các hạng mục giao thông và cây xanh phục hồi sinh cảnh (117,32 tỷ đồng).

- Vốn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp: Đầu tư các hạng mục công trình hệ thống điện, nước và toàn bộ các hạng mục công trình khai thác du lịch thương mại (1.848,087 tỷ đồng)”.

Do tình hình hạn, mặn, dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh chưa bố trí được vốn thực hiện Dự án mở rộng Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, dự kiến kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 222,6 tỷ đồng. UBND tỉnh sẽ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để xem xét triển khai thực hiện.

(còn tiếp)

.
.
.