.

Bảo hiểm xã hội Tiền Giang: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ

Cập nhật: 08:55, 11/05/2021 (GMT+7)

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động nghiệp vụ, quản lý, điều hành luôn được Bảo hiểm xã hội (BHXH) Tiền Giang xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tổ chức thực hiện tốt hơn chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).

Thời gian qua, lãnh đạo BHXH Tiền Giang rất quan tâm chỉ đạo việc ứng dụng CNTT vào công việc nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các đơn vị sử dụng lao động, người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.

ĐẦU TƯ HẠ TẦNG KỸ THUẬT

Để nâng cao hiệu quả công việc, quản lý đối tượng đóng và hưởng BHXH, quản lý quỹ BHXH, quỹ BHYT được đảm bảo chính xác, nhanh chóng, tháo gỡ những hạn chế trong việc xử lý, giải quyết hồ sơ, thời gian qua, BHXH Tiền Giang đã đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng CNTT vào các hoạt động của đơn vị. BHXH Tiền Giang đã được trang bị đầy đủ hạ tầng kỹ thuật: Máy chủ, máy trạm, thiết bị mạng, phần mềm diệt virus, hệ thống các phần mềm nghiệp vụ…

Cán bộ, nhân viên BHXH Tiền Giang ứng dụng tốt các phần mềm CNTT nâng cao hiệu quả công việc.
Cán bộ, nhân viên BHXH Tiền Giang ứng dụng tốt các phần mềm CNTT nâng cao hiệu quả công việc.

Mỗi công chức, viên chức (không bao gồm bảo vệ, tạp vụ, lái xe) đều được trang bị máy tính cá nhân để thực hiện chuyên môn nghiệp vụ và tất cả các máy tính đều được kết nối Internet. Tại các đơn vị trực thuộc BHXH tỉnh đều xây dựng hệ thống mạng nội bộ (10/10 đơn vị đã xây dựng mạng LAN) phục vụ việc kết nối, trao đổi thông tin.

Ngoài ra, các phần mềm nghiệp vụ ngành đều chạy trên môi trường mạng; vận hành hệ thống mạng, máy chủ, máy trạm, các thiết bị mạng đảm bảo việc thực hiện các phần mềm nghiệp vụ được thông suốt phục vụ công tác quản lý của ngành.

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn thông tin luôn được quan tâm đặc biệt. Hệ thống mạng của BHXH Tiền Giang, BHXH các huyện, thành phố, thị xã được kết nối trực tiếp với BHXH Việt Nam thông qua WAN ngành. Hiện tại, hệ thống WAN ngành chạy song song 2 đường truyền do Viễn thông Tiền Giang và Viettel Tiền Giang cung cấp. Để đảm bảo an toàn thông tin mạng, tại Văn phòng BHXH tỉnh lắp đặt 2 đường truyền Internet phục vụ người dân đến giao dịch với đơn vị.

Đẩy mạnh ứng dụng, tăng hiệu suất công việc

Để khai thác và sử dụng hiệu quả các phần mềm ứng dụng CNTT, 100% cán bộ, nhân viên đều được cấp phát tài khoản sử dụng Văn phòng điện tử; đảm bảo 100% cán bộ, nhân viên thường xuyên sử dụng phần mềm để xử lý các công việc, xây dựng lịch công tác, trao đổi thông tin nội bộ…

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh thực hiện việc tiếp nhận tự động hồ sơ điện tử của đơn vị gửi đến và tiếp nhận hồ sơ giấy trên phần mềm của ngành tại địa chỉ https://tnhs.bhxh.gov.vn. Ngoài các phần mềm nghiệp vụ ngành, BHXH Tiền Giang cũng đã triển khai phần mềm ứng dụng chuyên ngành của Bộ Tài chính: Quản lý tài sản nhà nước (qltsnn.mof.gov.vn) và Quản lý đăng ký tài sản nhà nước (dkts.mof.gov.vn).

BHXH tỉnh cũng đã triển khai Hệ thống thông tin giám định BHYT, đây cũng là bước đột phá về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực BHYT. Theo đó, BHXH tỉnh đã kết nối toàn bộ dữ liệu khám, chữa bệnh (KCB) từ các cơ sở KCB về chung một hệ thống, khởi đầu cho việc hiện thực hóa công tác giám định điện tử chi phí KCB BHYT, mang lại lợi ích thiết thực... Đây là công cụ hữu hiệu ngăn ngừa trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT của một số đơn vị KCB, người chữa bệnh, tạo điều kiện cho việc giám sát, kiểm tra, quản lý KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT có hiệu quả.

Cùng với đó, tất cả công chức, viên chức BHXH Tiền Giang đều sử dụng phần mềm Quản lý văn bản điều hành của tỉnh Tiền Giang và phần mềm Quản lý văn bản điều hành của BHXH Việt Nam (Eoffice), các văn bản đi và đến đều được cập nhật và xử lý trên phần mềm.

Theo thống kê, tổng số văn bản đi, đến trong năm 2020 của đơn vị là 6.467 văn bản; trong đó, có 1.340 văn bản đi, 6.467 văn bản đến. Các văn bản đi đều được số hóa trên phần mềm; tất cả các văn bản đến đều được lãnh đạo xử lý trên phần mềm…

BHXH Tiền Giang cũng đã triển khai thực hiện giao dịch điện tử với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, kết quả đến nay đạt 99,58%, giúp cho đơn vị tham gia BHXH chủ động thời gian nộp hồ sơ, tiết kiệm chi phí đi lại, in ấn, chuyển phát cho các cá nhân, doanh nghiệp.

Đồng thời, giúp giảm tải đơn vị đến trực tiếp giao dịch hằng ngày; giảm thời gian kê khai, giao dịch, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng; công khai, minh bạch, giảm thiểu phiền hà cho người lao động, đơn vị sử dụng lao động…

Phó Chánh Văn phòng, phụ trách bộ phận tiếp nhận trả kết quả thủ tục hành chính BHXH Tiền Giang Tôn Hồng Quang chia sẻ: “Trước đây khi chưa ứng dụng phần mềm CNTT, bộ phận tiếp nhận trả kết quả thủ tục hành chính chủ yếu quản lý hồ sơ thủ công, chưa khoa học. Từ khi ứng dụng các phần mềm CNTT đã nâng cao hiệu quả công việc rõ rệt, tiết kiệm thời gian, giúp tra cứu hồ sơ nhanh hơn, theo dõi tiến độ, kịp thời đôn đốc các bộ phận giải quyết hồ sơ… góp phần phục vụ tốt hơn cho người dân và tổ chức, doanh nghiệp”.

Phó Giám đốc BHXH Tiền Giang Phạm Thị Mỹ cho biết:  “Đến nay, BHXH Tiền Giang có hệ thống các phần mềm nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý cơ bản hoàn chỉnh như: Hệ thống Cấp mã số BHXH và quản lý BHYT hộ gia đình, Hệ thống Tiếp nhận hồ sơ, Hệ thống Quản lý thu và sổ thẻ, Phần mềm Xét duyệt chính sách, Hệ thống Quản lý thanh tra kiểm tra, Hệ thống Tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung, Phần mềm Kế toán tập trung, Phần mềm Quản lý nhân sự, Phầm mềm Thi đua khen thưởng, Phần mềm Giám định, Phần mềm Quản lý thiết bị.

Hệ thống các phần mềm trên đang được khai thác hiệu quả, mỗi phần mềm có một tính năng ứng dụng vào nghiệp vụ riêng. Nếu như trước đây làm thủ công phải mất nhiều thời gian, công sức thì nay với việc ứng dụng các phần mềm này, thông qua hệ thống mạng WAN, BHXH tỉnh có thể tổng hợp được ngay tất cả số liệu của BHXH các huyện, thành, thị và phòng nghiệp vụ.

Hệ thống các phần mềm được liên thông dữ liệu với nhau từ dữ liệu đầu vào trên TST sẽ được cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và kết nối với giải quyết các chế độ BHXH, chế độ BHYT. Từ đó, việc theo dõi quản lý thu, chi tài chính cũng trở nên chặt chẽ hơn và đảm bảo độ chính xác cao”.

Việc ứng dụng CNTT không chỉ góp phần tăng hiệu suất xử lý công việc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân viên, giúp lãnh đạo có thể quản lý, điều hành công việc khoa học hơn, mà còn hạn chế được nhiều văn bản giấy, tiết kiệm được ngân sách, các thông tin được trao đổi, xử lý nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Với những kết quả đạt, BHXH Tiền Giang đã vinh dự được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua dẫn đầu trong thực hiện chuyên đề thi đua “Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước” năm 2020.

HOÀI THU

.
.
.