.

Đề xuất mức chuẩn ưu đãi người có công là 1.624.000 đồng

Cập nhật: 08:59, 23/06/2021 (GMT+7)

 

a
Chương trình gặp mặt đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020 tại Hà Nội (Ảnh minh họa: Đăng Khoa).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mức chuẩn ưu đãi người có công với cách mạng làm cơ sở xác định các mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 là 1.624.000 đồng.

Mức chuẩn ưu đãi người có công được đề xuất là 1.624.000 đồng

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi là Pháp lệnh) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 9-12-2020, thay thế Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021.

Theo Nghị quyết số 128/2020/NQ-QH14 ngày 12-11-2020 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo năm 2021. Vì vậy, mức chuẩn và mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng chưa thực hiện điều chỉnh tăng năm 2021.

Pháp lệnh lần này có một số điểm mới so với Pháp lệnh cũ. Cụ thể, quy định mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và pháp điển hóa một số chế độ trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Để tổ chức thực hiện Pháp lệnh đồng bộ và thống nhất các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng đúng thời hạn có hiệu lực của Pháp lệnh, cần thiết ban hành Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng để bãi bỏ Nghị định số 58/2019/NĐ-CP ngày 1-7-2019 của Chính phủ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định này. Dự thảo văn bản đang được lấy ý kiến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Để bảo đảm tính linh hoạt và đồng bộ, các khoản trợ cấp ưu đãi người có công đều được xác định theo mức chuẩn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mức chuẩn ưu đãi người có công với cách mạng làm cơ sở xác định các mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định này là 1.624.000 đồng (sau đây gọi tắt là mức chuẩn).

Với bốn chương, 16 điều, dự thảo được xây dựng nhằm bảo đảm tính linh hoạt và đồng bộ trong thực hiện chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời, bảo đảm khả thi và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước.

Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bằng ba lần mức chuẩn

Theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, mức trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bằng ba lần mức chuẩn. Đây là điểm khác so với quy định hưởng trợ cấp tại Pháp lệnh cũ (hưởng theo mức trợ cấp đối với thân nhân liệt sĩ).

Với đề xuất trong dự thảo Nghị định này, mức trợ cấp cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là 4.872.000 đồng/tháng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định hiện hành, mức trợ cấp ưu đãi mỗi năm một lần và trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng chưa được đồng bộ. Một số mức trợ cấp được xác định theo mức chuẩn, một số mức trợ cấp được quy định bằng số tiền tuyệt đối. Bên cạnh đó, các mức trợ cấp bằng số tiền tuyệt đối đã được thực hiện qua một thời gian dài mà chưa được điều chỉnh tăng.

Pháp lệnh mới đã pháp điển hóa một số chế độ trợ cấp một lần đối với: thân nhân người hoạt động kháng chiến được tặng Huân chương kháng chiến, Huy chương qua đời mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi; thân nhân người có công giúp đỡ cách mạng qua đời mà chưa được hưởng chê độ ưu đãi.

Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh các mức trợ cấp ưu đãi hằng năm và trợ cấp ưu đãi một lần đều được xác định theo mức chuẩn để xác định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.

Cụ thể, với người có công, mức trợ cấp ưu đãi hằng năm, trợ cấp thờ cúng liệt sĩ là 0,8 lần mức chuẩn.

Mức trợ cấp ưu đãi một lần, trợ cấp một lần khi truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” là 20 lần mức chuẩn. Hỗ trợ chi phí báo tử là 1 lần mức chuẩn.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được tặng danh hiệu nhưng qua đời mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi, hoặc được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” được đề xuất 20 lần mức chuẩn.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến được tặng danh hiệu nhưng qua đời mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi hoặc được truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động” trong thời kỳ kháng chiến   là 20 lần mức chuẩn.

Người có công giúp đỡ cách mạng được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huy chương Kháng chiến được đề xuất 1,5 lần mức chuẩn.

Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế qua đời mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi là 1,5 lần mức chuẩn

Người có công giúp đỡ cách mạng qua đời mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi là 1,5 lần mức chuẩn.

Bên cạnh đó, mức chi điều dưỡng được xác định theo mức chuẩn để xác định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ điều dưỡng phục hồi sức khỏe người có công với cách mạng. Đồng thời, mức chi được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với chi phí tiêu dùng,

Cụ thể, mức chi điều dưỡng tại nhà bằng 1 lần mức chuẩn. Mức chi điều dưỡng tập trung bằng 2 lần mức chuẩn.

Hỗ trợ thăm viếng, di chuyển hài cốt liệt sĩ giữ nguyên mức hỗ trợ như quy định hiện hành. Tuy nhiên, đề nghị bỏ quy định mức hỗ trợ tối đa 2,4 triệu đồng/người.

Đến tháng 5 năm 2021, có 4.183 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.

Với mức hưởng trợ cấp Bà mẹ Việt Nam Anh hùng quy định tại Pháp lệnh mới, kinh phí thực hiện là 312,872 tỷ đồng/năm, tăng thêm 81,569 tỷ đồng/năm.

Theo quy định của Pháp lệnh mới, trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được thực hiện từ ngày 1-7-2021, nhu cầu kinh phí tăng thêm năm 2021 là 40,784 tỷ đồng.

Kinh phí thực hiện trợ cấp hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng theo Pháp lệnh mới đã được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước thực hiện Pháp lệnh của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2021 là 30 tỷ đồng. Khoản kinh phí còn thiếu năm 2021 là 10,784 tỷ đồng.

Với mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng năm và trợ cấp ưu đãi một lần theo mức chuẩn, kinh phí thực hiện khoảng 824,302 tỷ đồng/năm, tăng thêm  471,692 tỷ đồng/năm

Thời điểm thực hiện các chế độ trợ cấp ưu đãi trên là ngày 1-7-2021, nhu cầu kinh phí tăng thêm năm 2021 là 235, 846 tỷ đồng.

Nhu cầu kinh phí tăng thêm bảo đảm thực hiện chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe quy định tại Nghị định này là 860,812 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2021, nhu cầu kinh phí tăng thêm là 246.630 triệu đồng.


Theo nhandan.vn



 

.
.
.