"Khu vườn tình thương" - Cứu cánh của nạn nhân da cam
Nắm bắt nguyện vọng và khát khao lao động, cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng của nạn nhân chất độc da cam/dioxin (viết tắt là NNCĐDC), những năm qua, Hội NNCĐDC xã Thanh Hòa (TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các NNCĐDC vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Điển hình như ông Lê Tấn Hưng (ấp Thanh Hưng, xã Thanh Hòa) là một trong những NNCĐDC giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Một bên chân của ông Hưng bị dị tật, đi đứng và sinh hoạt hằng ngày gặp nhiều khó khăn.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của ông Hưng, năm 2009, Hội NNCĐDC xã Thanh Hòa vận động ông tham gia mô hình “Khu vườn tình thương”. Khi tham gia mô hình này, ông Hưng được hỗ trợ cây mít giống và hướng dẫn kỹ thuật canh tác.
Ông Hưng đã cải tạo mảnh vườn tạp hơn 1.000 m2 để trồng 30 cây mít. Qua thời gian miệt mài lao động, vườn mít của ông Hưng ngày càng được mở rộng và cho năng suất cao.
Đến nay, gia đình ông Hưng đang canh tác 4.000 m2 đất trồng mít. Trước đây, giá mít ở mức cao nên mỗi tuần gia đình ông bán mít mang lại nguồn thu khoảng 3 triệu đồng.
“Tôi rất vui mừng và biết ơn Hội NNCĐDC xã Thanh Hòa cũng như chính quyền địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ gia đình tôi được tiếp cận với mô hình sản xuất hiệu quả để vươn lên thoát nghèo, xây được nhà ở khang trang, ổn định cuộc sống”, ông Hưng chia sẻ.
Hội NNCĐDC xã Thanh Hòa hướng dẫn cho hộ NNCĐDC chăm sóc cây mít. |
Giống như ông Hưng, chị Bùi Thị Nương (ở ấp Thanh Hiệp, xã Thanh Hòa) là vợ của một NNCĐDC mất sức lao động, có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Một mình chị Nương vừa phải chăm lo cho chồng, vừa nuôi 2 con nhỏ ăn học.
Biết được hoàn cảnh của chị Nương, Hội NNCĐDC xã Thanh Hòa đã tạo điều kiện cho chị tham gia mô hình “Khu vườn tình thương” và được hỗ trợ 30 cây mít giống để trồng phát triển kinh tế gia đình. Thông qua mô hình không chỉ giúp gia đình chị Nương cải thiện thu nhập mà còn tích lũy để mua thêm 2 con bò chăn nuôi. Từ đó, chị Nương có điều kiện chăm lo cuộc sống gia đình cũng như việc ăn học của các con tốt hơn.
Từ khi xây dựng mô hình “Khu vườn tình thương” năm 2009 cho đến nay, Hội NNCĐDC xã Thanh Hòa đã hỗ trợ 1.100 cây mít giống cho 17 hộ NNCĐDC; đồng thời, tổ chức nhiều buổi trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn cải tạo vườn tạp, kỹ thuật chăm sóc cây trồng đạt năng suất cao. Kết quả, có 15/17 hộ NNCĐDC tham gia “Khu vườn tình thương” đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, Hội NNCĐDC xã Thanh Hòa luôn tranh thủ sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể trong và ngoài xã để tạo nguồn lực giúp đỡ NNCĐDC. Trong năm 2020, Hội vận động được gần 272 triệu đồng và đã triển khai giúp đỡ NNCĐDC trên địa bàn xã thông qua các hoạt động tặng quà vào các dịp lễ, tết, Ngày Thảm họa da cam (10-8); xây tặng 2 căn nhà “Mái ấm da cam”…
Để lan tỏa sự chia sẻ với những nỗi đau, mất mát mà các NNCĐDC đang gánh chịu, Hội NNCĐDC xã Thanh Hòa thường xuyên tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chung tay chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân với 15 cuộc tuyên truyền, gần 800 người tham dự. Hằng năm, Hội còn tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa 4 Chi hội NNCĐDC các ấp để cùng nhau giữ vững và nâng cao thành tích phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”.
Chủ tịch Hội NNCĐDC xã Thanh Hòa Nguyễn Văn Đời cho biết: “Toàn xã hiện có 87 NNCĐDC đang hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước và có 160 hội viên đang sinh hoạt ở các chi hội ấp. Thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã tiếp tục nhân rộng mô hình “Khu vườn tình thương” để hỗ trợ cho NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã nhằm giúp họ nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, góp phần giữ vững tiêu chí nông thôn mới”.
LÊ MINH