.
KỶ NIỆM 71 NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI (1-6-1950 - 1-6-2021)

Hãy dành cho trẻ em những tình cảm tốt đẹp nhất!

Cập nhật: 17:12, 01/06/2021 (GMT+7)

(ABO) Lịch sử ra đời của Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 bắt nguồn từ một câu chuyện đau lòng. Vào rạng sáng ngày 1-6-1942, quân phát xít Đức bao vây làng Lidice (nước Tiệp Khắc cũ, nay là Cộng hòa Séc) bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. 66 người đã bị sát hại và 104 em thiếu nhi bị đưa vào trại tập trung, 88 em bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho phát xít Đức.

Hai năm sau, ngày 10-6-1944, phát xít Đức lại bao vây thị trấn Oradour (Pháp), dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt nhà thờ khiến những người bên trong thiệt mạng.

Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội bị phát xít Đức sát hại nhẫn tâm, năm 1949, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1-6 hằng năm làm Ngày Quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm yêu cầu Chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống của thiếu nhi, yêu cầu giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng.

Bác Hồ đến thăm một trại nhi đồng ở  Việt Bắc năm 1950. Ảnh: tư liệu
Bác Hồ đến thăm một trại nhi đồng ở Việt Bắc năm 1950. Ảnh: tư liệu

Kể từ năm 1950, ngày 1-6 hằng năm trở thành ngày của thiếu nhi. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em - Văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.

Ở nước ta, ngay sau khi giành được độc lập, ngày 1-6 và Tết Trung thu (15-8 âm lịch) hằng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước. Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1-6-1950) trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng cả nước.

Đại biểu học sinh Trường trung học Trưng Vương, Hà Nội chúc mừng sinh nhật Người (19-5-1956). Ảnh: tư liệu
Đại biểu học sinh Trường Trung học Trưng Vương, Hà Nội, chúc mừng sinh nhật Người (19-5-1956). Ảnh: tư liệu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất yêu quý thiếu nhi. Người luôn dành tình cảm quan tâm đặc biết đối với thế hệ trẻ của Việt Nam và quốc tế. Năm 1950, Bác Hồ đã viết thư gửi thiếu nhi toàn quốc nhân Ngày 1-6, được đăng trên Báo Sự Thật, số 134 ra ngày 1-6-1950:

“Các cháu yêu quý! Ngày 1-6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô. Song ở các nước tư bản, cha mẹ là người lao động bị bóc lột, thì trẻ con cũng bị bóc lột, phải chịu cực khổ. Ví dụ: Mỹ là một nước nhiều tiền bạc nhất, có những nhà đại phú, ngồi mát ăn bát vàng. Nhưng con nhà lao động thì lên 5, lên 6 tuổi đã phải đi làm thuê, làm mướn.

Ở nước Việt Nam ta thì, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến.

Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: Đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng. Bác mong các cháu ngoan ngoãn. Bác chúc các cháu mạnh khỏe. Bác gửi các cháu nhiều cái hôn”.

Trong bản Di chúc thiêng liêng, Bác gửi muôn vàn tình yêu thương cho dân tộc Việt Nam, trong đó Người không quên nhắc đến thế hệ thiếu niên, nhi đồng bằng những tình cảm đặc biệt. Trước lúc người đi xa, cũng nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6-1969, Bác đã có lời căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Người khẳng định: "… Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Bác đã đi xa nhưng những lời căn dặn, hành động, tình cảm của Bác sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí thiếu nhi nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung.

Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi, chúng ta hãy dành cho trẻ em những tình cảm và hành động tốt đẹp nhất, để những nụ cười luôn nở trên môi, là những khoảnh khắc đẹp lớn lên cùng các trẻ trong suốt cuộc đời.

Một số hình ảnh ghi nhận hoạt động của trẻ em Tiền Giang (ảnh được chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát):

Một hoạt động ngoại khóa của các học sinh Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân. Ảnh: Lập Đức.
Một hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: LẬP ĐỨC.
Các hoạt động học tập và vui chơi cho trẻ tại Trường Mầm non Bông Sen. Ảnh: LẬP ĐỨC
Các hoạt động học tập và vui chơi cho trẻ tại Trường Mầm non Bông Sen (TP. Mỹ  Tho, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: LẬP ĐỨC
Các bé của Trường Mầm non Mỹ Phong được tham quan vườn hoa. Ảnh: LẬP ĐỨC
Các bé Trường Mầm non Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) tham quan vườn hoa. Ảnh: LẬP ĐỨC
Sự yêu thương của gia đình là chỗ dựa bình yên nhất của mỗi đứa trẻ.
Sự yêu thương của gia đình là chỗ dựa bình yên nhất của mỗi đứa trẻ.
Tấc cả chúng ta hãy dành mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em học tập và trưởng thành. Ảnh: LẬP ĐỨC
Tất cả chúng ta hãy dành mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em học tập và trưởng thành. Ảnh: LẬP ĐỨC
Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn tham gia cuộc thi gói bánh nhân dịp Tết nguyên đán. Đây là hoạt động trãi nghiệm giúp cho các em hiểu thêm về các loại bánh dân gian của quê hươngẢnh: LẬP ĐỨC
Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) tham gia Cuộc thi Gói bánh nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Đây là hoạt động trải nghiệm giúp các em hiểu thêm về các loại bánh dân gian của quê hương. Ảnh: LẬP ĐỨC

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.