.

Ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới

Cập nhật: 10:05, 28/05/2021 (GMT+7)

Bạo lực trên cơ sở giới (viết tắt là BLG) là vấn nạn của gia đình và xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Do đó, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phòng, chống BLG cũng như bạo lực gia đình (BLGĐ), từ ban hành các đạo luật như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007… cho đến triển khai xây dựng các mô hình phòng, chống bạo lực.

Các hình thức BLG tồn tại ở Việt Nam gồm BLGĐ, nạo phá thai lựa chọn giới tính, tảo hôn, buôn bán người/di cư cưỡng bức, mại dâm cưỡng bức và quấy rối tình dục… Tại Việt Nam, có 58% phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 60 tuổi đã kết hôn cho biết, họ từng bị bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra ít nhất một lần.

TỪ GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG

BLG thường gây ra hậu quả nặng nề đối với nạn nhân, gia đình và cộng đồng, bao gồm suy yếu sức khỏe, tổn thất về tài chính/kinh tế, xã hội và sự phát triển của cá nhân, tăng nguy cơ gặp phải các loại hình bạo lực khác, Điều quan trọng là những hậu quả này kéo dài trong suốt cuộc đời của người bị tác động và có thể duy trì sang các thế hệ tương lai. Người bị BLG phải gánh chịu hậu quả về sức khỏe ở nhiều mặt khác nhau.

Mặc dù nước ta có cả hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống BLG, BLGĐ nhưng những quy định pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa đi sâu vào nhận thức của người dân và quan trọng hơn là chưa làm thay đổi cơ bản tình hình BLG trong xã hội thời gian qua. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả phòng, chống BLG trước hết cần xác định rõ khái niệm BLG đang được đề cập tới.

Tổ chức liên hoan truyền thông nhằm ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới.
Tổ chức liên hoan truyền thông nhằm ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới.

Trong xã hội, quan niệm về BLG của người dân còn khá mơ hồ, dường như chỉ có hành vi bạo lực về mặt thể chất mới được chú ý tới. Bởi trong tiềm thức của không ít người cho rằng, đánh nhau chửi mắng nhau lúc nóng giận là bình thường hay con hư thì cha mẹ phải la đánh để giáo dục hoặc việc đáp ứng nhu cầu tình dục của chồng là nghĩa vụ của người vợ… Cho nên những chuyện này đương nhiên sẽ không bị coi là bạo lực, là vi phạm pháp luật. Vì vậy, muốn định hướng hành vi trước tiên cần phải định hướng về nhận thức, phải quy định một cách rõ ràng, cụ thể những hành vi mà pháp luật quy định là BLG và cần phải phòng, chống.

Tăng cường công tác tuyên truyền về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam và tác hại của BLG, BLGĐ. Phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động thành viên của mình thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống BLG. Tùy theo đặc điểm, truyền thống văn hóa của từng địa phương, xây dựng các quy chế, quy ước để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng dân cư, trong từng gia đình, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, xây dựng mô hình, câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ. Cung cấp kiến thức về hôn nhân và gia đình; kỹ năng ứng xử, xây dựng gia đình văn hóa và các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống BLGĐ. Ngăn chặn các tệ nạn xã hội là giải pháp phòng, chống bạo lực hiệu quả nhất. Vì vậy, đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội không chỉ tạo nên sự ổn định xã hội mà còn góp phần vào việc phòng, chống bạo lực một cách có hiệu quả.

Phòng, chống hành vi lạm dụng, quấy rối tình dục; hành vi hiếp dâm, mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em. Trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh bạo lực về thể chất, tinh thần, tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái… Hãy cùng hành động để thông điệp “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương” được lan tỏa trong mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng.

ĐẾN XÂY DỰNG MÔ HÌNH

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang luôn xác định nội dung “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong các hoạt động của Hội. Từ đó, các cấp Hội đã triển khai nhiều phong trào, mô hình hiệu quả, thiết thực, gần gũi với cuộc sống của người dân nhằm huy động sự tham gia của cán bộ, hội viên phụ nữ, nhất là sự chung tay của nam giới trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Trong đó, phải kể đến việc ra mắt Mô hình “Gia đình trẻ không bạo lực” (gọi tắt là Mô hình) của Chi hội Phụ nữ ấp Bình Long, xã Long Chánh, TX. Gò Công vào tháng 6-2019.

Mô hình có 20 thành viên là những cặp vợ chồng trẻ, độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi, những gia đình thường xảy ra mâu thuẫn, cãi vã và có cả các cặp vợ chồng tiêu biểu xây dựng gia đình hạnh phúc. Mô hình được tổ chức sinh hoạt định kỳ hằng quý hoặc khi cần thiết sẽ tổ chức sinh hoạt đột xuất. Trong những buổi sinh hoạt, các thành viên sẽ giao lưu văn nghệ, tạo không khí vui vẻ, gần gũi, thân tình.

Sau đó, Ban Chủ nhiệm Mô hình sẽ tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các văn bản pháp luật về công tác gia đình, phòng, chống BLG, BLGĐ, bình đẳng giới; phòng,  chống xâm hại tình dục trẻ em; phổ biến kiến thức về xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã Long Chánh còn hướng dẫn các thành viên Mô hình sinh hoạt nhóm với các nội dung theo chuyên đề 938 nhằm giúp các thành viên có thêm kiến thức, kỹ năng trong việc chăm sóc và phát triển trẻ em.

Phát huy hiệu quả Mô hình, năm 2020, Hội LHPN TX. Gò Công đã nhân rộng Mô hình ra 3 xã: Long Hưng, Bình Đông và Bình Xuân, với tổng số 36 thành viên tham gia. Đến nay, Mô hình ở các xã đều duy trì tổ chức sinh hoạt hằng quý với nhiều nội dung phong phú và thiết thực như: Truyền thông, giáo dục, vận động phụ nữ và các gia đình, cộng đồng nâng cao nhận thức về luật pháp, chính sách hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống BLG, BLGĐ, tệ nạn xã hội; thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con…

PHƯƠNG MAI

.
.
.