.

Tiền Giang: Xây dựng Chính quyền số theo hướng tương tác, minh bạch

Cập nhật: 14:53, 08/07/2021 (GMT+7)

UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Chính quyền số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án). Việc xây dựng Chính quyền số nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm tối đa các khoản chi phí, thủ tục không cần thiết cho người dân, doanh nghiệp.

NỀN TẢNG VỮNG CHẮC

Xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT), thành phố thông minh, tiến tới Chính quyền số là mục tiêu lớn của tỉnh Tiền Giang. Người dân và doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng lợi ích nhiều nhất khi các chủ trương này được thực hiện thành công. Đến thời điểm hiện tại, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng CQĐT của tỉnh ghi nhận những kết quả khả quan, tạo sự kết nối ngày càng tiện lợi giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền.

Kết nối hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến địa phương đã tiết kiệm rất nhiều chi phí.
Kết nối hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến địa phương đã tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Từ đó, tỉnh đã bắt tay xây dựng chính quyền số dựa trên những kết quả và sự thành công của mô hình CQĐT. Việc xây dựng Đề án được thực hiện theo nguyên tắc kế thừa cơ sở vật chất đã và đang được đầu tư, đầu tư bổ sung hạ tầng CNTT đảm bảo tiết kiệm tối đa nhưng cũng mạnh dạn đầu tư các cơ sở vật chất thiết yếu để vận hành Chính quyền số.

Thực tế cho thấy, việc triển khai xây dựng Chính quyền số của tỉnh có nhiều thuận lợi. Những năm qua, sự thành công của mô hình CQĐT và thành phố thông minh của tỉnh đã góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Kết quả rõ nét được thể hiện thông qua việc gửi - nhận văn bản điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền phi giấy tờ, cung cấp các dịch vụ công, chuyển đổi từ chính quyền quản lý sang phục vụ người dân, doanh nghiệp...

Theo đó, đến nay, hệ thống quản lý văn bản điều hành của tỉnh có trên 27.000 tài khoản người dùng; 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã triển khai và liên thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện và đến 172/172 UBND xã, phường, thị trấn; tỷ lệ văn bản đi - đến giữa các cơ quan được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (hoàn toàn không dùng văn bản giấy) đạt trên 80%; 100% cơ quan nhà nước được trang bị chữ ký số để ký gửi liên thông các văn bản điện tử. Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt trên 52%; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 45%; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến ở mức độ 3 đạt 25% và mức độ 4 đạt gần 19%.

Đặc biệt, đầu năm 2020 tỉnh Tiền Giang đã đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công vào phục vụ người dân. Trung tâm với 16 quầy phục vụ, các quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến được giới thiệu rõ ràng, chi tiết. Việc giải quyết thủ tục cho tổ chức, cá nhân được thực hiện theo cơ chế một cửa. Một cửa liên thông được quản lý một cách tập trung thống nhất. Trung tâm đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ nhiều tổ chức, cá nhân. Các công chức, viên chức của đơn vị đều thực hiện tốt nhiệm vụ, lấy sự hài lòng của đại diện các tổ chức hoặc cá nhân đến làm các thủ tục hành chính là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của bản thân viên chức, công chức và của cơ quan có thẩm quyền.

QUYẾT LIỆT TRIỂN KHAI

Quyết tâm xây dựng và triển khai thành công Chính quyền số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, việc chuyển đổi số toàn diện để hướng đến Chính quyền số được tỉnh xác định là một trong những đề án trọng điểm. Theo đó, mục tiêu chung của Đề án là phát triển Chính quyền số theo hướng chính quyền tương tác, minh bạch, hoạt động hiệu quả, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp các dịch vụ số mới dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số của tỉnh Tiền Giang.

Tiền Giang xây dựng nền hành chính hiện đại để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Tiền Giang xây dựng nền hành chính hiện đại để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là Chính quyền số tỉnh Tiền Giang hoạt động, vận hành, ban hành chính sách, đưa ra quyết định chỉ đạo điều hành và cung cấp dịch vụ số một cách chủ động theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp một cách tối ưu dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu.

Cơ quan nhà nước các cấp từng bước mở dữ liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, với các chỉ tiêu chính cần đạt được: 80% người dân, doanh nghiệp hài lòng với các dịch vụ số của Chính quyền số Tiền Giang cung cấp; xây dựng hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã; cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước; xây dựng hoàn thiện các tiêu chí cơ bản của đô thị thông minh cho TP. Mỹ Tho…

Tỉnh cũng xác định, trong mô hình Chính quyền số, toàn bộ dữ liệu công dân, hành chính, điều hành của chính quyền được tích hợp, thực hiện trên nền tảng dữ liệu lớn, số hóa triệt để, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, bộ máy vận hành… Để đảm bảo chất lượng, tính khả thi của Đề án, tỉnh đã phân công cụ thể cho từng đơn vị liên quan.

Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng tổng thể hệ thống CQĐT, thành phố thông minh và ứng dụng CNTT của tỉnh (gồm hạ tầng, thiết bị, tình hình, hiệu quả triển khai, tồn tại, hạn chế) và thực trạng chất lượng nguồn nhân lực CNTT của tỉnh (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Từ đó, đánh giá cụ thể mặt được, mặt chưa được, xác định tồn tại, hạn chế, đề xuất giải pháp, mô hình, nguyên tắc xây dựng Chính quyền số tỉnh Tiền Giang và các nhiệm vụ cụ thể.

Ngoài ra, việc ứng dụng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp (App Chính quyền số) và tổng đài 1022 nhằm cung ứng thêm kênh thông tin, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện phản ánh, kiến nghị; chức năng nhận thông báo, cảnh báo, thông tin tuyên truyền. Đồng thời, triển khai hệ thống đánh giá cán bộ một cửa tại các đầu mối tiếp nhận, trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp. Đây là nguồn thông tin quan trọng để tỉnh có giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ trong thời gian tới.

Những nỗ lực của Tiền Giang trong việc xây dựng Chính quyền số đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, cùng với định hướng phát triển theo hướng công nghệ cao, áp dụng CNTT trong các ngành kinh tế mũi nhọn sẽ tạo nên sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư đến với Tiền Giang. Với những cách làm và nỗ lực riêng, Tiền Giang tiến gần hơn với mục tiêu đến năm 2025 TP. Mỹ Tho trở thành thành phố thông minh, hiện đại trong các thành phố thông minh của Việt Nam.

PHƯƠNG MAI

.
.
.