BÀI 2: Nghĩa tình trong gian khó
BÀI 1: Nếu khó khăn, cứ lấy một phần…
Những ngày qua, nhiều hội viên phụ nữ, đoàn viên, thanh niên luôn nói vui với nhau là đã “đổi nghề”. Bởi công việc thường xuyên của không ít người trong số họ vào lúc này là khuân vác, làm tài xế hỗ trợ vận chuyển rau củ, lương thực… cho các bếp ăn từ thiện và đến với người dân trong khu phong tỏa, cách ly trên địa bàn. Đặc biệt, những “Chuyến xe nghĩa tình 0 đồng” đã góp phần làm vơi đi những khó khăn của bệnh nhân nghèo cũng như nỗi đau mất mát do dịch bệnh.
LUÔN SẴN LÒNG GIÚP ĐỠ
“Alô, Mi hả con? Mai con có đi nấu cơm thì mua giùm bà Năm ký thịt ba rọi, chục trứng vịt và trái bí xanh/ Bà Năm ơi, ra nhận đồ, con treo ở cổng…”.
Đó là những câu giao tiếp đơn giản qua điện thoại nhưng đong đầy tình cảm của bà Năm, ở ấp Bình An (xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo) với bạn đoàn viên Lê Phương Thùy. Thùy cho biết: “Ở nhà mọi người thường gọi em là bé Mi.
Em là Bí thư Chi đoàn khu 1, thị trấn Chợ Gạo, nhưng em lại ở xã Bình Phục Nhứt. Hơn 1 tháng qua, hằng ngày, em lên bếp ăn của thị trấn Chợ Gạo phụ mấy chị phụ nữ nấu ăn cho lực lượng trực chốt. Đôi khi, có nhiều cô, chú gọi điện thoại đến bếp ăn, nói ghé nhà cô, chú chở bao gạo, bao đường hay mấy bịch rau cho bếp ăn, là thanh niên em liền xung phong đi chở. Tranh thủ nấu cơm xong, em còn đi chợ giùm bà con xung quanh xóm”.
Đoàn viên huyện Tân Phước vận chuyển nhu yếu phẩm đến người dân ở khu vực phong tỏa. |
Nghe qua công việc vận chuyển hàng hóa hỗ trợ người dân tưởng chừng đơn giản nhưng lại đầy khó khăn. Đặc biệt là những “shipper” vận chuyển đồ cho người dân trong các khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa đều phải tuân thủ nghiêm ngặt “5K”, những quy định về phòng, chống dịch bệnh. Mọi thông tin liên lạc đều qua điện thoại di động hay khi thông báo thì sử dụng loa kéo di động.
Chú Tám Ri, một người dân trong khu cách ly của xã Tân Tây (huyện Gò Công Đông) cho biết: “Dù trong khu cách ly nhưng những ngày qua, gia đình tôi và bà con ở đây đều có đầy đủ thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm hằng ngày. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được nhiều mặt hàng thiết yếu khác như mì gói, muối, nước mắm, dầu ăn… từ chính quyền địa phương và bà con gửi vào. Riêng gia đình tôi có nuôi gà nên cũng hay nhờ các cháu đoàn viên, dân quân mua thức ăn cho gà chở vào giúp”.
Trước sự khó khăn về đầu ra của nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều mô hình hay của các đoàn thể trong hỗ trợ tiêu thụ nông sản của bà con đã ra đời như: “Áo xanh ra đồng” của Tỉnh đoàn; hỗ trợ hội viên phụ nữ, nông dân tiêu thụ nông sản của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Hội Nông dân… Vượt qua những khó khăn của dịch bệnh để thu mua nông sản cho bà con đã là điều đáng quý thì việc thu mua nông sản với mục đích phi lợi nhuận lại càng đáng quý hơn. Đó là câu chuyện của chị em hội viên Hội LHPN huyện Tân Phước trong hơn 2 tháng qua.
Cụ thể, Hội LHPN huyện Tân Phước đã làm trung gian thu mua hơn 100 tấn nông sản như khóm, khoai, chanh, đậu phộng… của nông dân trên địa bàn huyện để phân phối theo đơn đặt hàng của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Số tiền thu được sau khi cung cấp cho khách hàng, Hội chỉ giữ lại phần chi phí vận chuyển, phần còn lại đều chuyển hết cho nông dân. Những công việc từ thu mua đến đóng gói đều do các chị em hội viên phụ nữ thực hiện.
Các chị còn tự khuân vác những bao hàng hóa nông sản để chất lên xe, giao cho khách hàng. Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Phước Phạm Thị Thế Băng chia sẻ: “Dù chị em hội viên ai nấy cũng đều bận bịu việc gia đình nhưng luôn cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia, giúp nông dân bớt đi phần nào khó nhăn”.
CHUYẾN XE NGHĨA TÌNH
Những ngày qua, người dân trong tỉnh nói chung và TP. Mỹ Tho nói riêng đều vui mừng khi có “Chuyến xe nghĩa tình 0 đồng” của Nhóm “Mỹ Tho xưa và nay”, đưa bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhập viện, chuyển viện hay từ bệnh viện về nhà.
Anh Huỳnh Chí Hiếu, thành viên Nhóm “Mỹ Tho xưa và nay” cho biết: “Trước đây, hoạt động của nhóm chủ yếu là vận động trao quà cho người nghèo, nhưng gần đây thấy nhiều bệnh nhân nghèo không có kinh phí để chuyển viện hay xuất viện thuê xe về nhà nên các thành viên trong nhóm mong muốn có được chiếc xe để có thể vận chuyển miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Và rất may, nhóm được Công ty TNHH Xăng dầu Hồng Đức tặng chiếc xe Hyundai, trị giá khoảng 700 triệu đồng để làm công việc từ thiện đầy ý nghĩa này”.
“Chuyến xe nghĩa tình 0 đồng” của Nhóm “Mỹ Tho xưa và nay” đưa hài cốt của bệnh nhân Covid-19 tử vong về chùa Trường Sanh. |
Tuy mới hoạt động không lâu nhưng Nhóm “Mỹ Tho xưa và nay” đã chuyển viện, đưa bệnh nhân xuất viện về nhà hàng chục lượt. Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động của các thành viên trong nhóm không kể ngày đêm, lúc nào cũng sẵn sàng có mặt khi bệnh nhân cần. Ngoài ra, hằng ngày, từ nguồn kinh phí của các nhà hảo tâm đóng góp, nhóm còn nấu cơm, phát bánh mì, trao quà cho hàng trăm bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viên Đa khoa trung tâm Tiền Giang và người dân nghèo.
Đặc biệt, từ khi trên địa bàn tỉnh có bệnh nhân Covid-19 tử vong, thì hoạt động “Chuyến xe nghĩa tình 0 đồng” của Nhóm “Mỹ Tho xưa và nay” còn kiêm thêm việc đưa hài cốt của các bệnh nhân mất vì Covid-19 về thờ tại các ngôi chùa. Trên Facebook, anh Hiếu từng chia sẻ những dòng thông tin thương xót về việc đưa hài cốt của một trường hợp bệnh nhân Covid-19 tử vong, đoạn viết: “Sáng nay, sau khi phát bánh mì xong, chúng tôi lại đến Hỏa Đài Vạn Phước Viên để giúp đưa hài cốt anh N.V.Đ. về chùa Trường Sanh (phường 2, TP. Mỹ Tho).
Trên đường đi, chúng tôi ghé lại cơ quan anh, để anh được nhìn lại nơi làm việc của mình lần cuối và các đồng nghiệp chào tiễn biệt anh... Sau đó, chúng tôi tiếp tục ghé hẻm chùa Quan Đế để anh thăm lại ngôi nhà của mình đã từng sinh sống bao năm trước khi về với cửa Phật”.
Anh Hiếu còn chia sẻ thêm về một kỷ niệm mà anh không bao giờ quên trong hành trình của những “Chuyến xe nghĩa tình 0 đồng”. Anh Hiếu kể: “Vào một buổi chiều mưa, khi xe cứu thương của nhóm trên đường đi cứu trợ về, đậu bên đường để mua đồ, thì có 1 cặp vợ chồng đi xe máy, mặc áo mưa nhìn không rõ mặt chạy tới đưa 1 triệu đồng cho bác tài và nói “Ủng hộ xăng dầu cho xe chạy”, rồi chạy đi khi chúng tôi chưa kịp nói lời cảm ơn. Sự chia sẻ của những tấm lòng hảo tâm thật đáng trân quý và là động lực để chúng tôi cố gắng nhiều hơn nữa vì bệnh nhân nghèo”.
Không lương, không thu nhập, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ bị nhiễm bệnh nhưng với tấm lòng thiện nguyện đã thôi thúc những thành viên Nhóm" Mỹ Tho xưa và nay” luôn giúp đỡ mọi người trong lúc khó khăn, hoạn nạn, nhất là những khó khăn trong thời dịch bệnh.
PHƯƠNG MAI - CAO THẮNG
(Còn tiếp)