Thứ Năm, 19/08/2021, 12:03 (GMT+7)
.
Lan tỏa những việc làm tử tế trong mùa dịch

BÀI CUỐI - Đồng lòng chống dịch

BÀI 1: Nếu khó khăn, cứ lấy một phần…

BÀI 2: Nghĩa tình trong gian khó

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thì những việc làm tử tế không chỉ gói gọn trong các hoạt động từ thiện, giúp đỡ nhau, mà còn thể hiện ở sự quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát thì không chỉ có các lực lượng tuyến đầu mà còn có nhiều người đã gác lại việc riêng để tình nguyện xung phong vào cuộc chiến chống Covid-19.

GIỮ VỮNG TUYẾN ĐẦU

Trong cuộc chiến chống Covid-19, nhân viên y tế là những “chiến sĩ” tuyến đầu ngày đêm đối mặt với hiểm nguy của việc lây nhiễm bệnh khi phải tiếp xúc thường xuyên với các trường hợp F0 trong điều trị hay truy vết. Mặc dù vậy, những “chiến sĩ” này vẫn luôn quyết tâm giữ vững tuyến đầu trong cuộc chiến với “giặc Covid-19”.

Tập huấn sử dụng trang bị bảo hộ cho các tình nguyện viên trước khi được bố trí hỗ trợ ở các bệnh viện dã chiến.
Tập huấn sử dụng trang bị bảo hộ cho các tình nguyện viên trước khi được bố trí hỗ trợ ở các bệnh viện dã chiến.

Tại Bệnh viện Dã chiến số 1 đặt tại Phòng khám Đa khoa Dân quân y Tiền Giang ở xã Long Định, huyện Châu Thành, hiện có 60 nhân viên y tế gồm bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ lý đến từ các đơn vị y tế trong tỉnh như: Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy… đang tham gia điều trị cho khoảng 400 bệnh nhân Covid-19. 

Tiến sĩ - Bác sĩ (TS.BS) Đỗ Quang Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 1, chia sẻ: “Các nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Dã chiến số 1 đã không ngại khó khăn, nguy hiểm và luôn bản lĩnh trong trận chiến chống dịch Covid-19. Dù phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân Covid-19 nhưng họ luôn trong tâm thế sẵn sàng chăm sóc, điều trị bệnh nhân một cách tốt nhất. Tất cả nhân viên y tế Bệnh viện Dã chiến số 1 luôn nỗ lực hết mình điều trị cho bệnh nhân bằng cả tấm lòng và trách nhiệm của người thầy thuốc”.

Không chỉ có nhân viên y tế mà các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch khác như: Quân đội, Công an, Đoàn Thanh niên… cũng đang ngày đêm “bám trụ” ở các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 từ tỉnh đến cơ sở, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập vào cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 570 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 từ cấp tỉnh đến cơ sở đảm bảo việc kiểm soát người và phương tiện ra vào tỉnh cũng như các huyện, thành phố, thị xã cho đến xã, phường, thị trấn, xóm ấp… trên địa bàn toàn tỉnh.

Hơn 2 tháng qua, dù trời nắng hay mưa thì các lực lượng vẫn quyết tâm ngày đêm bám chốt, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao, đảm bảo an toàn cho người dân. Thiếu tá Lê Minh An, Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an tỉnh Tiền Giang, đang thực hiện nhiệm vụ tại Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 cầu Mỹ Lợi (TX. Gò Công), cho biết: “Anh em chúng tôi ở đây đều gác lại công việc gia đình để thực hiện nhiệm vụ được giao. Có lúc, chúng tôi gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa to, gió lớn thổi bay cả mái che dã chiến. Tuy nhiên, mọi người luôn động viên cùng nhau cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần khống chế, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân”.

NGHĨA CỬ CỦA NHỮNG TÌNH NGUYỆN VIÊN

Trong cuộc chiến chống Covid-19 đã có không ít người dân xung phong tham gia phòng, chống dịch nhằm góp sức cùng các lực lượng bảo vệ sức khỏe người dân trước đại dịch. Vừa qua, Thư ngỏ của Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang kêu gọi các nhân viên y tế, sinh viên ngành Y vừa tốt ngiệp tham gia các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 đã được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Qua đó, nhiều người đã tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch thông qua Tỉnh đoàn và Hội Thầy thuốc trẻ của tỉnh là hơn 300 người. Trong đó, có 37 người được tổ chức tập huấn về kiến thức và hướng dẫn sử dụng trang bị bảo hộ phòng ngừa dịch bệnh lây nhiễm vào ngày 5-8 đã tham gia hỗ trợ ở các bệnh viện dã chiến trong tỉnh.

Nhân viên Bệnh viện Dã chiến số 1 chuẩn bị trang bị bảo hộ trước khi làm việc.   Ảnh: PHÚC THỊNH
Nhân viên Bệnh viện Dã chiến số 1 chuẩn bị trang bị bảo hộ trước khi làm việc. Ảnh: PHÚC THỊNH

Nhiều tình nguyện viên dù đã không còn trẻ nhưng với tinh thần chung tay vì cộng đồng đã quyết định đăng ký tham gia phòng, chống dịch bệnh. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Châu (sinh năm 1967, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước) hiện đang là thầy thuốc Đông y tại một phòng khám từ thiện ở quê nhà đã tình nguyện đăng ký tham gia phòng, chống dịch ngay khi thấy Thư ngỏ của Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang trên các trang mạng xã hội.

“Từng là bộ đội chiến đấu bảo vệ quê hương và cũng là thầy thuốc Đông y nên tôi đã không ngần ngại đăng ký tham gia phòng, chống dịch bệnh đang diễn biến phức tạp để bảo vệ sức khỏe người dân. Dù có phần lớn tuổi nhưng tôi nghĩ giai đoạn nào cũng thế, đã là “Bộ đội Cụ Hồ” thì luôn sẵn sàng góp sức bảo vệ sự an toàn cho người dân và xây dựng quê hương”, ông Châu chia sẻ.

Không chỉ ông Châu mà người cháu trai của ông là anh Nguyễn Hoài Nam cũng đến lớp tập huấn ngày 5-8 để đăng ký tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Anh Nam cho biết: “Thấy chú đã lớn tuổi mà vẫn xung phong đi chống dịch thì tôi cũng quyết tâm đăng ký tham gia để góp sức cùng với tỉnh nhà phòng, chống, tiến tới khống chế, đẩy lùi dịch bệnh”.

Cũng tại lớp tập huấn này, chúng tôi còn ghi nhận tinh thần rất đáng khích lệ của vợ chồng anh Trần Hoàng Ân - chị Phan Thị Bạch Yến (xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) khi cả anh chị đều tình nguyện đăng ký tham gia chống dịch. Hiện tại, anh Ân đã được triển khai thực hiện công tác hỗ trợ lực lượng y tế tại Bệnh viện Dã chiến số 1.

“Nhiều người hỏi tôi và vợ có sợ không thì tôi trả lời ngay là không sợ, không ngại nguy hiểm của dịch bệnh nên đã tình nguyện đăng ký tham gia chống dịch ngay khi có lời kêu gọi của ngành Y tế tỉnh nhà. Cha mẹ hai bên cũng có phần e ngại vợ chồng tôi bị ảnh hưởng sức khỏe, nhưng tôi động viên gia đình hãy an tâm ở nhà, bởi sự tình nguyện tham gia cùng các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch của vợ chồng tôi không gì ngoài mục đích vì sức khỏe và sự bình yên cho mọi người”, anh Ân chia sẻ.

TS. BS Đỗ Quang Thành đã rất cảm kích tinh thần và tấm lòng của các tình nguyện viên sẵn sàng gác việc gia đình, gạt bỏ sự nguy hiểm của dịch bệnh để xông pha ra tuyến đầu chống dịch. “Dù biết nguy hiểm, gian nan nhưng các tình nguyện viên vẫn tình nguyện tham gia phòng, chống dịch mà không đòi hỏi bất cứ sự ưu đãi hay chế độ nào. Tôi rất xúc động và đánh giá rất cao tinh thần tự nguyện, cảm kích nghĩa cử của các tình nguyện viên khi tình nguyện tham gia cùng đội ngũ y tế chống lại đại dịch Covid-19”, TS. BS Đỗ Quang Thành bày tỏ.

PHƯƠNG MAI - CAO THẮNG

.
.
Liên kết hữu ích
.