Quyết liệt các giải pháp, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang diễn biến phức tạp. Đến nay, đã ghi nhận 22/23 xã, thị trấn của huyện có ổ dịch trong cộng đồng. UBND huyện đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ và mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
NHANH CHÓNG BÓC TÁCH F0 KHỎI CỘNG ĐỒNG
Tính từ thời điểm bùng phát dịch đến nay, huyện đã có 22/23 xã, thị trấn có phát sinh ổ dịch, với tổng số 1.240 ca mắc Covid-19 (F0), 322 F1 đang cách ly tập trung. Trong đó, các xã của huyện ghi nhận nhiều ca F0 như Tam Hiệp, Long Định, Thân Cửu Nghĩa, Tân Hương.
Đặc biệt, mới đây bùng phát ổ dịch mới tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Châu Thành với 30 ca dương tính Covid-19, 100 F1 và đa phần là cán bộ, nhân viên y tế, đội ngũ truy vết. TTYT huyện tạm thời ngừng hoạt động từ ngày 9-9-2021 (trừ khoa Cấp cứu và chạy thận nhân tạo). Tình hình dịch bệnh của huyện có chiều hướng ngày càng phức tạp.
Lực lượng tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện lưu thông giữa các địa bàn. |
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, diễn biến và mức độ nguy cơ của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện Châu Thành cũng như căn cứ các tiêu chí, quy ước chung về xác định vùng theo kế hoạch của UBND tỉnh Tiền Giang, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch xác định phạm vi các “vùng xanh”, “vùng xanh mới”, “vùng vàng”, “vùng cam” và “vùng đỏ” trên địa bàn toàn huyện.
Việc xác định phạm vi các vùng trong phòng, chống dịch sẽ được huyện Châu Thành thực hiện đến từng ấp, khu phố thuộc địa bàn 23 xã, thị trấn; đồng thời, đề ra nhiều giải pháp trọng tâm để bảo vệ và mở rộng “vùng xanh”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Phục Quang cho biết, trên cơ sở phạm vi các vùng được xác định, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phong tỏa chặt, triển khai nhanh chóng xét nghiệm tầm soát cộng đồng để bóc tách F0 và xử lý dứt điểm các ổ dịch phát sinh gần đây, đặc biệt ổ dịch tại TTYT huyện, ổ dịch cộng đồng xảy ra tại các xã Vĩnh Kim, Thân Cửu Nghĩa, Tân Hương, Tân Lý Đông, Tân Lý Tây. Tiếp tục điều tra F0, truy vết F1 thần tốc, không bỏ sót F1 trong cộng đồng và nhanh chóng đưa F1 cách ly tập trung theo quy định.
“Đặc biệt sẽ hoán đổi lực lượng tại các chốt chặn, chốt kiểm soát nhằm tránh tình trạng quen mặt, thiếu cương quyết trong việc kiểm soát người dân ra đường khi không thật sự cần thiết. Đối với các xe vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu sẽ kiểm soát chặt chẽ tại các điểm tập kết đảm bảo thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, sẽ tăng cường các đồng chí lãnh đạo trực tiếp xuống địa bàn để chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, phấn đấu đưa Châu Thành từ vùng nguy cơ cao xuống vùng nguy cơ trong thời gian sớm nhất có thể”, đồng chí Nguyễn Phục Quang nhấn mạnh.
MỞ RỘNG, BẢO VỆ “VÙNG XANH”
Bên cạnh đó, UBND huyện Châu Thành đã chỉ đạo các địa phương triển khai việc thiết lập và xây dựng các phương án bảo vệ, mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Trong đó, thực hiện nghiêm phương châm lấy xã, thị trấn làm “pháo đài”, mỗi người dân là “chiến sĩ’ tham gia phòng, chống dịch.
Nhiệm vụ của mỗi “pháo đài” là vận động, kêu gọi, huy động người dân thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, kêu gọi toàn dân tham gia chống dịch, vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mỗi người.
Kiểm soát chặt chẽ phương tiện chở hàng hóa, nông sản ra vào địa bàn huyện Châu Thành. |
Đối với các xã, thị trấn có khu vực được xác định là “vùng xanh”, thành lập các Tổ bảo vệ “vùng xanh”, chốt bảo vệ “vùng xanh”; xây dựng quy chế quản lý “vùng xanh” và phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên phụ trách, để giữ vững các “vùng xanh” trên địa bàn. Việc bảo vệ “vùng xanh” được thực hiện thông qua 3 đối tượng chính là Nhà nước - Tổ bảo vệ “vùng xanh” - người dân, với nguyên tắc “kiểm soát chặt, ai ở đâu thì ở đó, tiêm chủng theo quy định”.
Đối với các xã “vùng xanh” có địa bàn liền kề, tiếp giáp nhau (các ấp thuộc các xã khác nhau có vị trí liền kề nhau) nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp trong công tác thiết lập, bảo vệ “vùng xanh”, để mở rộng phạm vi hoạt động trong “vùng xanh”; đồng thời, huy động được nguồn nhân lực tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc quản lý, bảo vệ “vùng xanh”. Mỗi “vùng xanh” thiết lập đường dây nóng gồm số điện thoại của thành viên Tổ Covid cộng đồng và thông báo rộng rãi cho người dân biết để gọi khi cần.
Thiết lập các chốt kiểm soát bảo vệ khu vực thuộc “vùng xanh”: Mỗi khu vực chỉ thiết lập chốt kiểm soát 1 lối đi vào và đi ra, nhưng vẫn đảm bảo bố trí phù hợp để xe cấp cứu, cứu hỏa có thể di chuyển được và đảm bảo thoát hiểm trong trường hợp khấn cấp. Chốt kiểm soát 24/24 giờ (có thể bố trí camera giám sát) để quản lý, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào khu vực “vùng xanh”. Việc thực hiện đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ”, vận động người dân trong “vùng xanh” tham gia Tổ bảo vệ “vùng xanh”.
Đối với các xã, thị trấn có “vùng vàng”, “vùng cam”, “vùng đỏ”, thực hiện lập “hàng rào” phong tỏa, tách biệt giữa “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” và “vùng xanh”; thực hiện xét nghiệm tầm soát, tách dân cư “vùng đỏ” chưa có nguy cơ để khoanh “vùng đỏ”, sau đó tập trung làm sạch dịch tại “vùng đỏ”.
HOÀI THU - TUẤN LÂM