Tô đẹp thêm cho tuổi thanh xuân
Lúc sinh thời, Bác Hồ đã từng nói với thanh niên Việt Nam: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước…”. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuổi trẻ Tiền Giang đã cùng với tuổi trẻ cả nước có nhiều hoạt động góp sức chống dịch để càng tô thắm thêm tuổi thanh xuân của mình.
Tại Tiền Giang, nhiều bác sĩ trẻ tham gia tuyến đầu chống dịch đang ngày đêm trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Trong đó có bác sĩ trẻ Nguyễn Đức Hạ Vy, hiện đang công tác tại Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19. Bác sĩ Hạ Vy là người con của quê hương Bình Dương, sau khi tốt nghiệp về công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang 2 năm nay.
Trong hơn 2 tuần qua, bác sĩ Hạ Vy được phân công nhiệm vụ tham gia điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19. Sự phấn khởi, quyết tâm cùng với sự hồi hộp, lo lắng là tâm trạng của bác sĩ Hạ Vy khi biết mình là thành viên trong đội chống dịch, tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng của tỉnh, vì đây là tuyến cuối điều trị những ca Covid-19 nặng với môi trường làm việc áp lực và nguy cơ lây nhiễm cao.
Bác sĩ Hạ Vy chuẩn bị đồ bảo hộ trước khi vào điều trị cho bệnh nhân ở Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Văn Thảo |
Bác sĩ Hạ Vy cho biết: “Bất cứ bệnh nhân nào khi vào bệnh viện đều rất mong được các y, bác sĩ chăm sóc và với những bệnh nhân Covid-19 thì càng cần được chăm sóc, động viên an ủi nhiều hơn vì không có người thân bên cạnh. Với trách nhiệm của một người thầy thuốc và sức trẻ của mình, tôi luôn cố gắng làm hết mình để giúp các bệnh nhân vượt qua đau bệnh”.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh và quyết tâm đảm bảo thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe người dân trong thời gian dịch bệnh mà đã hơn 6 tháng, bác sĩ Hạ Vy không về thăm nhà, thăm quê ở Bình Dương. “Có lúc tôi nhớ nhà và lo lắng cho người thân, vì tỉnh Bình Dương là tâm dịch của cả nước với cả ngàn ca nhiễm mỗi ngày. Nhưng càng nhớ, càng lo lắng thì tôi lại càng quyết tâm chăm sóc và điều trị tốt cho bệnh nhân với niềm tin dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi để về thăm gia đình”, bác sĩ Hạ Vy chia sẻ.
Không chỉ có đội ngũ y, bác sĩ trẻ mà nhiều thanh niên tình nguyện đã tạm gác lại việc gia đình để tham gia vào tuyến đầu chống dịch với mong muốn đóng góp sức trẻ của mình bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Do dịch bệnh mà bạn Nguyễn Thái An, sinh viên Trường Đại học Tiền Giang bị “kẹt lại” TP. Mỹ Tho mấy tháng qua với sự lo lắng khi nghe tin quê nhà có dịch, đặc biệt nhà An đang trong khu vực phong tỏa và gia đình có người nhiễm Covid-19.
Những ngày trọ lại ở TP. Mỹ Tho, Thái An nhận thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây nhiều áp lực cho nhân viên y tế, các lượng lực tuyến đầu chống dịch và cuộc sống người dân càng khó khăn. Do đó, khi Ban Chấp hành Đoàn trường Đại học Tiền Giang phát động, kêu gọi đoàn viên, sinh viên tình nguyện tham gia chống dịch, Thái An đã đăng ký. Hiện Thái An đang hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang thu thập và lấy mẫu xét nghiệm test nhanh Covid-19.
“Những ngày ở trong nhà trọ không làm gì tôi đã suy nghĩ rất nhiều, sao mình cứ ở một chỗ chờ đợi sự giúp đỡ của mọi người mà không đóng góp sức trẻ của mình vì mọi người. Từ suy nghĩ này, tôi quyết định đăng ký tình nguyện tham gia phòng, chống dịch, với mong muốn dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân”, Thái An chia sẻ.
Sinh viên Nguyễn Thái An hỗ trợ công tác thu thập và lấy mẫu xét nghiệm test nhanh Covid-19. Ảnh: Lê Tân |
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các đoàn viên, thanh niên đang ngày đêm nỗ lực vượt qua khó khăn để tham gia phòng, chống dịch không chỉ ở “tuyến đầu” mà còn ở hậu phương với các hoạt động hỗ trợ người dân khó khăn. “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” là phương châm sống đẹp được nhiều người trẻ áp dụng trong thời dịch giã.
Chị Nguyễn Hoàng Thủy Tiên, một người con của quê hương Tiền Giang đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh có phương châm sống như thế. Qua báo đài, chị Tiên biết được nhiều người dân ở quê nhà đang gặp khó khăn trong đại dịch, do đó chị quyết định sử dụng khoản tiền tiết kiệm của mình để mua và tặng nhu yếu phẩm cho người dân khó khăn ở vùng dịch.
Chị Tiên cho biết, ở TP. Hồ Chí Minh, chị cũng có nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng so với các hoàn cảnh khó khăn ở quê nhà thì vẫn còn may mắn hơn nhiều. Do đó, chị muốn chia sẻ với mọi người để cùng nhau vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch. Với suy nghĩ đó, chị Tiên đã liên hệ các đầu mối mua nhu yếu phẩm như: Trứng, sữa, mì gói, rau, củ, quả… tặng cho người dân ở các khu vực phong tỏa, lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn TP. Mỹ Tho.
Khi phần tiền tiết kiệm cạn dần, chị Tiên tiếp tục sử dụng nguồn kinh phí từ việc bán các thiết bị điện tử đã qua sử dụng của mình để duy trì các hoạt động giúp đỡ mọi người. Từ đó, chị Tiên đã thu mua rau màu của nông dân ở huyện Châu Thành góp phần tạo thêm đầu ra cho nông dân để gửi tặng các lực lượng phòng, chống dịch.
“Nhìn thấy những giọt nước mắt cảm động của người dân khi nhận các phần quà, những nụ cười của các em nhỏ trên tay cầm hộp sữa giúp tôi có thêm động lực để phấn đấu cống hiến nhiều hơn nữa”, chị Tiên chia sẻ.
CAO THẮNG - NGỌC AN