.

TP. Mỹ Tho: Nỗ lực cung ứng thực phẩm cho vùng phong tỏa

Cập nhật: 10:21, 04/09/2021 (GMT+7)

Với việc TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang tiếp tục phong tỏa Khu vực I, II để thực hiện Chiến dịch xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 trên diện rộng giai đoạn 2, thành phố đang nỗ lực để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa cho người dân trong thời gian phong tỏa.

HỖ TRỢ KỊP THỜI

Phường 1 nằm trong khu vực phong tỏa. Do đó, những ngày qua, việc cung ứng hàng hóa phục vụ người dân được phường đặc biệt quan tâm. Phường đã thành lập Tiểu ban Hậu cần - Y tế để kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân.

Trong thời gian phong tỏa, người dân được đặt mua thực phẩm 3 lần/10 ngày. Khu phố sẽ phát phiếu đặt hàng kèm theo bảng giá của các nhà cung ứng gửi đến người dân. Người dân có quyền lựa chọn nhà cung ứng theo nhu cầu. Sau đó, phường sẽ liên hệ với nhà cung ứng để mua kịp thời lương thực, hàng hóa người dân cần.

Cán bộ phường 1 kiểm tra lại hàng hóa của đơn vị cung ứng.
Cán bộ phường 1 kiểm tra lại hàng hóa của đơn vị cung ứng.

Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 6, phường 1 Nguyễn Văn Nhặn, trước việc khu phố bị phong tỏa để thực hiện tầm soát Covid-19, bản thân ý thức đây là trách nhiệm, phải cung ứng thực phẩm kịp thời, tốt nhất theo chủ trương của thành phố, không để người dân mất niềm tin trong lúc giãn cách xã hội.

Cụ thể, đồng chí và cán bộ khu phố luôn cố gắng chuyển hàng đến cho người dân sớm nhất. Đến thời điểm này, do thực phẩm được cung ứng kịp thời nên đời sống người dân ở khu phố 6 được đảm bảo và chấp hành nghiêm các quy định về phong tỏa.

Bà Nguyễn Thị Phượng Liên, ngụ khu phố 6, phường 1 cho biết: “Từ khi phong tỏa đến nay, lãnh đạo khu phố rất quan tâm đến người dân. Người dân nào cần mua gì thì cứ gọi điện, lãnh đạo khu phố sẽ nhanh chóng đến lấy phiếu đặt mua thực phẩm. Trong vòng 2 ngày, thực phẩm mua sẽ được gửi đến  người dân”.

Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường 1 Hà Thị Diễm Thúy, bước đầu, việc cung ứng hàng hóa cho người dân cũng gặp khó khăn do đây là công việc mới và lực lượng của phường mỏng. Cán bộ của phường vừa phải làm công tác hậu cần vừa phải hỗ trợ thực hiện việc tầm soát nên còn khó khăn. Tuy nhiên, sau đó, việc cung ứng hàng hóa cho người dân đã dần đi vào nền nếp. Nhìn chung, phường đã đáp ứng kịp thời việc mua hàng giúp cho người dân trên địa bàn.

Còn tại phường 4, theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường 4 Lê Quốc Dũng, trong giai đoạn 1 thực hiện chiến dịch tầm soát Covid-19 trên diện rộng, có 1 nhà cung ứng không đảm bảo việc cung cấp thực phẩm nên phường phải tiến hành đổi phiếu đặt hàng cho người dân. Từ đó, việc giao hàng cho người dân có sự chậm trễ. Hiện nay, trên địa bàn phường có 5 nhà cung ứng thực phẩm nên việc cung cấp hàng hóa đã khắc phục được việc chậm trễ.

TỪNG BƯỚC KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ

Trước khi thực hiện chiến dịch, Tiểu ban Hậu cần - Y tế thành phố đã làm việc với các doanh nghiệp (DN), đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để đảm bảo nguồn cung. Ngoài ra, Tiểu ban Hậu cần - Y tế còn làm việc với các DN để tiến hành cung ứng các mặt hàng thiết yếu khác như: Gas, nước uống, thuốc… nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân trong khu vực phong tỏa.

Lãnh đạo khu phố 6, phường 1 giao thực phẩm cho người dân trong khu phố.
Lãnh đạo khu phố 6, phường 1 giao thực phẩm cho người dân trong khu phố.

Kết thúc chiến dịch tầm soát diện rộng giai đoạn 1 và những ngày đầu của giai đoạn 2, đến chiều ngày 31-8, TP. Mỹ Tho đã tiếp nhận gần 8.000 đơn hàng với số tiền thu hộ gần 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua đợt đầu thực hiện chiến dịch tầm soát diện rộng, Tiểu ban gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định. Điển hình như chất lượng hàng cung ứng của một số DN chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân.

Do vậy, các phường, xã phải tiến hành đổi, trả lại hoặc chuyển phiếu mua hàng sang đơn vị khác; thời gian giao hàng chưa thỏa mãn yêu cầu của người dân. Có lúc, có nơi, một số phường có số lượng đơn hàng quá nhiều dẫn đến quá tải, dẫn tới hàng hóa giao chưa kịp thời. Những việc này, Tiểu ban Hậu cần - Y tế đã làm việc với các DN, địa phương để chấn chỉnh, khắc phục ngay.

Đồng chí Nguyễn Thị Lan cho biết: “Qua thời gian thực hiện chiến dịch tầm soát giai đoạn 1, trên thực tế, nhu cầu về lương thực, thực phẩm… của người dân ở khu vực phong tỏa trên địa bàn là rất nhiều. Có lúc có nơi, ở địa bàn cũng chưa thể nào đáp ứng được hết nhu cầu của người dân; không tránh khỏi những hạn chế thiếu sót trong quá trình phối hợp, thực hiện nhiệm vụ cung ứng hàng hóa. Chúng tôi mong người dân góp ý để việc cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu được tốt hơn”.

Bên cạnh đó, trên mạng xã hội đã có rất nhiều thông tin phản ánh liên quan đến nhu cầu về lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Qua kiểm tra, đối chiếu thực tế tại địa bàn cơ sở, Tiểu ban đã đánh giá có thông tin phản ánh sai, phản ánh vừa đúng vừa sai và phản ánh đúng. “Đối với những thông tin phản ánh sai, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng xử lý.

Đối với những thông tin phản ánh đúng, chúng tôi đã ghi nhận và có chỉ đạo khắc phục ngay từng trường hợp cụ thể, ở từng địa bàn dân cư, để nhu cầu về lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu của người dân được đảm bảo ở mức tốt nhất có thể” - đồng chí Nguyễn Thị Lan cho biết thêm.

Đồng chí Nguyễn Thị Lan, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Tiểu ban Hậu cần - Y tế TP. Mỹ Tho cho biết, trên địa bàn một số xã, phường đã có cán bộ phối hợp thực hiện nhiệm vụ hậu cần nhiễm Covid-19. Một số cán bộ trưởng khu phố, ấp ở khu dân cư phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc để phục vụ cho chiến dịch tầm soát diện rộng.

Do đó, việc đảm đương nhiệm vụ Tiểu ban Hậu cần - Y tế cũng chưa đáp ứng hết yêu cầu về thời gian, tiến độ công việc. Tiểu ban Hậu cần - Y tế thành phố đã hỗ trợ, để từng bước khắc phục những hạn chế đó.

Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của công tác Hậu cần - Y tế, Tiểu ban đã thành lập 9 nhóm hỗ trợ đặt ở 9 phường, xã thuộc Khu vực I và Khu vực II trong chiến dịch tầm soát kỳ này.

Các nhóm này sẽ là đầu mối tiếp nhận thông tin, phản ánh từ người dân trực tiếp qua số điện thoại đã được công khai để người dân ở từng khu phố, ấp, ở địa bàn dân cư liên hệ các nhóm này 24/24 giờ. Qua thời gian thực hiện hơn 5 ngày qua, trung bình một ngày mỗi cán bộ tiếp nhận trực tiếp hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn (kể cả tin nhắn qua Zalo) và cơ bản đều được đáp ứng kịp thời cho nhu cầu của người dân.

Riêng các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ngoài các phần quà của Chính phủ, Tiểu ban Hậu cần - Y tế đã làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Mỹ Tho để có kế hoạch hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các đối tượng trên, đặc biệt là các khu nhà trọ.

Đồng chí Nguyễn Thị Lan cho biết thêm, riêng đối với các phường, xã ở Khu vực III, không nằm trong khu vực phong tỏa, các đồng chí là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường, xã sẽ chịu trách nhiệm đầu mối, liên hệ trực tiếp với Tiểu ban Hậu cần - Y tế để giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.

VĂN THẢO - Ý PHƯƠNG

.
.
.