Giải pháp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
Bạo lực trên cơ sở giới là bạo lực nhằm vào một người dựa trên cơ sở giới tính của người đó, bao gồm các hành động gây ra những tổn hại về thể chất, tâm lý và tình dục, những đe dọa dẫn đến các hành động này; sự ép buộc và những hình thức khác nhằm tước bỏ tự do của người đó.
Bạo lực trên cơ sở giới có phạm vi rộng hơn so với bạo lực gia đình. Mặc dù cả nam giới và trẻ em trai cũng bị ảnh hưởng, nhưng phụ nữ và trẻ em gái thường phải chịu tác động nặng nề hơn do bạo lực giới gây ra.
Xây dựng gia đình hạnh phúc góp phần giảm bạo lực gia đình cũng như bạo lực trên cơ sở giới. Ảnh: CAO LẬP ĐỨC |
BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI
Bất bình đẳng giới là nguyên nhân gốc rễ gây ra bạo lực trong gia đình. Trong gia đình, người phụ nữ có vị thế và quyền lực không ngang bằng với nam giới, không có quyền tham gia vào các quyết định trong gia đình, khiến họ dễ bị bạo lực do nam giới gây ra. Gia đình mắc các tệ nạn xã hội như nghiện rượu, cờ bạc, ma túy, mại dâm… được coi là những nguyên nhân cơ bản gây nên bạo lực gia đình. Bởi khi sử dụng các chất kích thích như rượu, ma túy… nam giới có nguy cơ giải quyết những khó khăn bằng hành vi bạo lực mà trước hết là bạo lực với các thành viên gia đình. Các tệ nạn mại dâm và ngoại tình cũng làm cho nam giới có thể lạnh nhạt, thậm chí có hành vi đánh đập vợ, con.
Khó khăn về kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến bạo lực gia đình vì thường tạo ra các áp lực, căng thẳng dễ dẫn tới các mâu thuẫn, tranh chấp nếu không biết cách xử lý phù hợp. Những cặp vợ chồng phải bươn chải vất vả để kiếm sống thường bị căng thẳng tinh thần nên dễ dẫn đến việc nam giới sử dụng sức mạnh của mình để gây ra bạo lực với vợ.
Tình trạng thiếu việc làm và nghèo đói cũng làm cho nam giới cảm thấy tự ti khi không làm đúng vai trò là trụ cột trong gia đình nên thường dẫn đến bạo hành giữa cha mẹ và con cái, vì họ cho rằng mục đích răn đe giáo dục con cái là “thương cho roi, cho vọt”. Có những hành vi rất thậm tệ như đánh đập, không cho ăn uống, bỏ mặc… và hậu quả rất nghiêm trọng làm một số trẻ bỏ học, bỏ nhà đi, vướng vào tệ nạn xã hội… Nhiều người do thiếu hiểu biết về pháp luật nên cho rằng cha mẹ có quyền đánh đập, chửi mắng con cái, chồng có quyền đánh vợ…
Cộng đồng và các gia đình vẫn coi bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư trong mỗi gia đình, người ngoài không nên can thiệp. Chính vì vậy, phản ứng của cộng đồng đối với các hành vi bạo lực gia đình còn thờ ơ, chưa mạnh mẽ. Việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình còn chưa kịp thời, nghiêm minh, vì thế bạo lực gia đình cũng như bao lực trên cơ sở giới vẫn xảy ra mà không được ngăn chặn.
HẬU QUẢ CỦA BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI
Về sức khỏe thể chất sẽ bị tổn hại, thương tích đau đớn, có thể bị khuyết tật suốt đời, thậm chí dẫn đến tử vong. Về sức khỏe tinh thần, luôn ám ảnh bị bạo lực, chán nản, buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, mất tự tin, hoang mang, trầm cảm; cuộc sống nặng nề, căng thẳng và tuyệt vọng. Về sức khỏe sinh sản, mang thai ngoài ý muốn, thai nhi suy dinh dưỡng, sẩy thai, đẻ non, lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV.
Hậu quả với trẻ em, đối với trẻ dưới 5 tuổi sẽ khóc nhiều, suy dinh dưỡng, chậm lớn, chậm phát triển trí tuệ, e ngại khi tiếp xúc với người lạ. Với trẻ trong độ tuổi trước vị thành niên sẽ thiếu tập trung và không có khả năng chơi tích cực; vụng về, lóng ngóng và hay gây rối; tránh va chạm và dễ chiều theo ý người khác; mất hứng thú với các hoạt động xã hội và giảm năng lực xã hội; lẩn tránh các mối quan hệ với bạn bè cùng lứa tuổi.
Với trẻ vị thành niên sẽ học kém, bỏ học, phạm tội, uống rượu, hút thuốc lá và nghiện ma túy; thiếu tin tưởng vào người lớn; bỏ đi khỏi nhà; có thể có các hành vi bạo lực như người lớn; chán nản và có ý nghĩ tự tử, thậm chí tự tử…
Hậu quả đối với gia đình: Ly thân, ly hôn; phải tốn tiền chữa trị phục hồi sức khỏe thể chất, tinh thần của nạn nhân và người chứng kiến bạo lực gia đình sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian dài; chất lượng cuộc sống của thành viên trong gia đình bị giảm sút. Giảm thời gian và năng suất lao động từ đó giảm thu nhập gia đình. Hậu quả đối với người gây bạo lực gia đình: Phá hỏng mối quan hệ vợ - chồng, cha mẹ - con cái, ông bà - cháu, cảm thấy cô đơn ngay trong gia đình.
Hậu quả đối với xã hội: Giảm sự đóng góp của nạn nhân và người gây bạo lực gia đình đối với xã hội; tạo ra lực lượng lao động tương lai có sức khỏe thể chất và tinh thần yếu, thiếu sáng tạo; ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội; ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp của con người.
GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI
Để giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới cần sự phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức, tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình. Giáo dục bình đẳng giới phải được thực hiện ngay từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội. Nâng cao nhận thức của cả nam giới và nữ giới về quyền và nghĩa vụ của họ trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, vai trò của họ hàng. Duy trì sự ổn định, đoàn kết và êm ấm trong gia đình; làm tốt công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình. Ngăn chặn kịp thời và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình; cần trang bị cho nạn nhân sự hiểu biết để tự bảo vệ như: Nghề nghiệp, sự độc lập về tài chính, trình độ học vấn, ý thức vươn lên làm chủ bản thân và gia đình, kiến thức giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái...
Đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; quan tâm xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa, trong đó đưa tiêu chí không có bạo lực gia đình, không lạm dụng rượu, bia, không có tệ nạn cờ bạc, ma tuý để xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình đúng quy định của Nghị định 110 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình.
Thực hiện lồng ghép chương trình phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, hoạt động của các ngành. Có giải pháp cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Xây dựng các thiết chế gia đình bền vững để phòng tránh bạo lực gia đình; đồng thời, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống bạo lực gia đình và thực hiện bình đẳng giới.
KIỀU LOAN