Kiểm tra việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội sau vụ Tịnh thất Bồng Lai
Ông Lê Tùng Vân ở Tịnh thất Bồng Lai trong lần làm việc với cơ quan công an và các ban, ngành địa phương trước đây. (Ảnh: cand.com.vn) |
Vừa qua, những vi phạm pháp luật tại Tịnh thất Bồng Lai ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, gây bức xúc trong dư luận. Do đó, các địa phương cần rà soát, kiểm tra việc chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em của các cơ sở trợ giúp xã hội, các quỹ từ thiện.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có văn bản về việc rà soát, kiểm tra, thanh tra việc chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em của các cơ sở trợ giúp xã hội, các quỹ từ thiện.
Văn bản nêu rõ, thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và Luật Trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở trợ giúp xã hội, đặc biệt là các cơ sở ngoài công lập và các quỹ từ thiện chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em. Thời gian vừa qua, những vi phạm pháp luật tại Tịnh thất Bồng lai (sau đổi tên thành Thiền am Bên bờ vũ trụ) ở xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An gây bức xúc trong dư luận.
Nhằm bảo đảm quyền trẻ em, thực hiện Luật Trẻ em, Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương triển khai các nội dung sau.
Thứ nhất, rà soát việc đăng ký, cấp phép hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, các quỹ từ thiện chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Thứ hai, rà soát việc tiếp nhận, quản lý các đối tượng trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội.
Thứ ba, quan tâm, tạo điều kiện đồng thời rà soát thường xuyên việc chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em mồ côi nói chung và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nói riêng, bảo đảm trẻ em mồ côi được chăm sóc nuôi dưỡng tốt về cả thể chất và tinh thần, ưu tiên chăm sóc thay thế bởi người thân thích theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, kiểm tra việc vận động xã hội, tiếp nhận, sử dụng các nguồn vận động xã hội của các cơ sở trợ giúp xã hội, quỹ từ thiện cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội, quỹ từ thiện chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em, không để tình trạng vi phạm, trục lợi kéo dài.
Báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kết quả rà soát, kiểm tra (qua Cục Trẻ em) trước ngày 28/2/2022. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (qua Cục Trẻ em, địa chỉ: 35 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội; điện thoại: 024.3747.8426, email: treem@molisa.gov.vn) để phối hợp, hướng dẫn giải quyết.
Tới hết năm 2020, trên toàn quốc có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 191 cơ sở công lập và 234 cơ sở ngoài công lập, được thành lập. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở tổng hợp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật với công suất phục vụ khoảng 20 nghìn đối tượng. Cùng với đó, hơn 3,1 triệu đối tượng được nhận trợ cấp xã hội. |
(Theo nhandan.vn)