Tập trung hỗ trợ các nhóm nghèo nhất, vùng nghèo nhất, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền
(ABO) Chiều 12-1, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tại điểm cầu Tiền Giang, đồng chí Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thông tin, đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội của người dân. Ước tính số người bị mất việc làm chiếm khoảng 5% và 32% số người phải tạm nghỉ việc hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; gần 50% người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên. Đây là những mức giảm đáng kể, làm suy yếu sức mua của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người lao động.
Trong bối cảnh đó, an sinh xã hội cùng với phòng, chống dịch và phát triển kinh tế là ba trụ cột chính để phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, một mặt ngành LĐ-TB&XH đã triển khai bài bản, căn cơ các chính sách xã hội, tập trung chăm lo ngày một tốt hơn cho người có công với cách mạng, đối tượng trợ giúp xã hội, đối tượng yếu thế… nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang. |
Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo an sinh xã hội, có chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch như: Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và Nghị quyết 126. Đây là các quyết sách quan trọng, kịp thời bổ sung và gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống an sinh xã hội ứng phó hiệu quả hơn trong đại dịch.
Theo báo cáo, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68 toàn quốc là hơn 35,9 ngàn tỷ đồng, hỗ trợ hơn 31,28 triệu lượt đối tượng. Triển khai Nghị quyết 116, đến nay đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho hơn 12,8 triệu lao động với số tiền hơn 30,5 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ còn xuất cấp gạo cứu đói cho người dân, huy động nguồn lực xã hội hóa to lớn của các tổ chức, cá nhân, cùng hàng triệu “túi an sinh” để hỗ trợ người dân trong dịch bệnh.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhận định, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng và là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định 01 với 5 trọng tâm chỉ đạo điều hành; 15 nhóm nhiệm vụ giải pháp và 83 nhiệm vụ cụ thể yêu cầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ với các nhiệm vụ trong Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, xây dựng thị trường lao động ổn định và phát triển, góp phần hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc biệt nâng cao nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập. Tập trung đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ cho phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm thích ứng với điều kiện sản xuất mới. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, các chính sách giảm nghèo. Tập trung hỗ trợ các nhóm nghèo nhất, vùng nghèo nhất, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền.
MAI HÀ