Tiền Giang thực hiện tốt công tác lao động, người có công và xã hội
(ABO) Chiều 14-1, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022. Đồng chí Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Mười biểu dương và ghi nhận những đóng góp và kết quả đạt được của ngành LĐTB&XH trong năm qua. |
Năm qua, ngành LĐTB&XH đã góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu của tỉnh đề ra. Một số kết quả nổi bật như: Tổ chức tốt việc thăm, tặng quà tết cho các đối tượng người cao tuổi, người có công, hộ nghèo, các đơn vị tập trung vào dịp Tết Nguyên đán 2021; Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện các biện pháp giảm nghèo, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,87% cuối năm 2020 xuống còn 1,6% cuối năm 2021; kịp thời tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được hỗ trợ...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Mười biểu dương và ghi nhận những đóng góp và kết quả đạt được của ngành LĐTB&XH tỉnh nhà trong năm qua. Về nhiệm vụ công tác năm 2022, đồng chí Nguyễn Văn Mười lưu ý ngành LĐTB&XH cần tập trung một số nhiệm vụ quan trọng.
Đồng chí Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Tiền Giang triển khai nhiệm vụ ngành LĐTB&XH trong năm 2022. |
KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP CÂN ĐỐI, CHI TIỀN THƯỞNG TẾT CHO CÔNG NHÂN, LAO ĐỘNG
Trong lĩnh vực lao động - việc làm và an toàn lao động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở LĐTB&XH, Phòng LĐTB&XH các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục nắm bắt tình hình chi trả tiền lương, tiền thưởng, kế hoạch nghỉ Tết Nguyên đán 2022 của doanh nghiệp.
Mặc dù đa số các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng để người lao động an tâm sản xuất, gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp, cần khuyến khích các doanh nghiệp cân đối, chi tiền thưởng tết cho công nhân, lao động. Tiếp tục triển khai, tuyên truyền các nội dung mới về pháp luật lao động, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến doanh nghiệp, người lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện những sai phạm để xử lý hoặc nhắc nhở, hướng dẫn thực hiện cho đúng, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Song song đó, cần khẩn trương rà soát, thẩm định hồ sơ của các doanh nghiệp để đề nghị hỗ trợ cho người lao động theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 126 của Chính phủ. Đôn đốc các huyện, thành, thị chi tiền hỗ trợ cho người lao động theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 126 đối với các trường hợp đã được phê duyệt; đồng thời, rà soát, hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn quản lý làm hồ sơ đề nghị; tiếp nhận, thẩm định gửi về Sở LĐTB&XH theo thời gian quy định, không để bỏ sót đối tượng.
TĂNG CƯỜNG VIỆC PHÂN LUỒNG HỌC SINH SAU TRUNG HỌC
Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐTB&XH phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” để tăng cường việc phân luồng học sinh sau trung học.
Phối hợp với các ngành thực hiện kế hoạch đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nghiệp.
Chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoàn thành các định mức kinh tế kỹ thuật đã giao xây dựng để thẩm định và ban hành trước tháng 8-2022, để khi Bộ LĐTB&XH hướng dẫn xây dựng định mức chi phí đào tạo thì có thể thực hiện ngay. Hoàn thành cơ bản Hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong năm 2022 để học sinh, sinh viên đạt chuẩn theo quy định khối lượng kiến thức tối thiểu và yêu cầu năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp theo từng nghề.
Chủ động tiếp cận các doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động để thực hiện đào tạo cung ứng lao động cho doanh nghiệp trên cơ sở các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề của Nhà nước theo quy định tại Quyết định 46 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 32 của Bộ LĐTB&XH và nhất là theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ.
Quang cảnh hội nghị. |
PHÁT HIỆN SỚM, KHÔNG ĐỂ XẢY RA TÌNH TRẠNG XÂM HẠI TRẺ EM
Lĩnh vực trẻ em - bình đẳng giới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐTB&XH tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của chương trình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2022. Phát huy phong trào toàn dân bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2022; tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực về công tác bình đẳng giới, góp phần thu hẹp khoảng cách giới; tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng, tiến tới bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống gia đình và xã hội.
THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA
Đồng chí Nguyễn Văn Mười chỉ đạo ngành LĐTB&XH tiếp tục giải quyết hồ sơ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, liệt sĩ, tù đày, chất độc hóa học... và thực hiện chính sách trợ cấp một lần theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đúng, kịp thời theo các quy định hiện hành. Tiếp tục quan tâm công tác điều dưỡng người có công, nhất là điều dưỡng tập trung; tổ chức đưa từ 300 đến 400 người có công đi viếng lăng Bác Hồ, tham quan thủ đô Hà Nội, thăm nhà tù Côn Đảo và Phú Quốc khi tình hình dịch Covid-19 ổn định.
Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh Tiền Giang quy định mức hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 22 ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ, Sở LĐTB&XH phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh báo cáo, đề nghị Bộ LĐTB&XH xem xét, trình Chính phủ cho chủ trương sử dụng ngân sách Trung ương đã cấp cho tỉnh để chi hỗ trợ các đối tượng ngoài Đề án đã được Bộ LĐTB&XH thẩm định để làm cơ sở quyết toán kinh phi với Bộ Tài chính.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành LĐTB&XH đề xuất các giải pháp nâng cao mức sống người có công, duy trì chất lượng phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, hỗ trợ người có công có hoàn cảnh khó khăn. Vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt chi tiêu 10 tỷ đồng/năm.
ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành LĐTB&XH tổ chức tốt các hoạt động thăm, tặng quà, trợ cấp cho người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lực lượng y tế tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và các đơn vị tập trung trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc trong các cấp, các ngành, các địa phương về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác an sinh xã hội, làm mọi người, mọi cấp, mọi ngành nhận thức đầy đủ về công tác an sinh xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội đoàn thể, của mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, mục đíc, ý nghĩa của công tác an sinh xã hội để mọi người đồng lòng, cùng chung tay thực hiện.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; tập trung hỗ trợ người yếu thế có việc làm, thu nhập ổn định, cải thiện điều kiện việc làm thông qua vay vốn tạo việc làm, tiếp cận thông tin thị trường lao động, dạy nghề. Thực hiện đầy đủ chính sách bảo trợ xã hội theo quy định hiện hành đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, phụ nữ đơn thân... thuộc hộ gia đình nghèo. Thực hiện chính sách cứu trợ đột xuất kịp thời cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do tai nạn, thiên tai, bệnh hiểm nghèo.
CHUẨN BỊ PHƯƠNG ÁN TIẾP NHẬN TRỞ LẠI ĐỐI TƯỢNG CAI NGHIỆN BẮT BUỘC VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY TỈNH
Về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung; công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, cai nghiện ma túy và xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm, đồng chí Nguyễn Văn Mười chỉ đạo cần tập trung thực hiện những công việc: Tham mưu UBND tỉnh phối hợp các ngành, địa phương xây dựng Tờ trình và Nghị quyết trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết phòng, chống mại dâm theo Chương trình công tác năm 2022 của UBND tỉnh.
Chuẩn bị phương án tiếp nhận trở lại đối tượng cai nghiện bắt buộc vào Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh mà trong thời gian qua ngưng tiếp nhận do dịch Covid-19 khi có chủ trương; theo báo cáo của các địa phương hiện còn trên 165 đối tượng có quyết định đưa vào cai nghiện bắt buộc, chú ý đảm bảo công tác an ninh trật tự và công tác phòng, chống dịch tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
THỦY HÀ