.

Những tín hiệu khởi sắc đầu năm

Cập nhật: 08:44, 11/02/2022 (GMT+7)

Theo khảo sát nhanh tại nhiều doanh nghiệp, ngay từ những ngày đầu năm, số công nhân, lao động trở lại làm việc đạt tỷ lệ cao nhờ chính sách ổn định việc làm và chế độ chăm lo, đãi ngộ trước và sau Tết tốt.

a
(Ảnh minh họa).

Dù lịch nghỉ Tết đến ngày 7/2 mới bắt đầu ngày làm việc đầu tiên, tuy nhiên tại một số tỉnh phía nam, cùng với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, việc phục hồi mạnh mẽ các hoạt động sản xuất-kinh doanh cũng diễn ra đồng thời. Ngay ngày 5/2, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh phía nam đã bắt tay vào một mùa sản xuất mới với tâm thế vui tươi và kỳ vọng một năm Nhâm Dần ổn định và phát triển.

Báo cáo nhanh từ tổ chức công đoàn Việt Nam cho thấy, với tỷ lệ cao người lao động quay trở lại doanh nghiệp, khác với dự đoán từ trước, có những doanh nghiệp bắt tay ngay vào các đơn đặt hàng đầu năm mà không gặp phải tình trạng thiếu hụt lao động sau kỳ nghỉ Tết. Có thể thấy, doanh nghiệp nào duy trì chính sách lương thưởng và các chế độ đãi ngộ tốt, doanh nghiệp đó đã thành công trong việc giữ chân lao động cũng như giúp người lao động hào hứng quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, tiếp tục gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, đơn vị. Ghi nhận tại các khu công nghiệp các tỉnh phía nam như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp đã mở máy vận hành sản xuất ngay từ ngày 5/2. Để bảo đảm đơn hàng, bù đắp thời gian tạm ngừng sản xuất trước đây, nhiều doanh nghiệp đề nghị rút ngắn kỳ nghỉ Tết và nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của công nhân, lao động.

Nhằm tạo không khí làm việc đầu năm mới, ở hầu hết các doanh nghiệp đều tổ chức gặp gỡ đầu Xuân, mừng tuổi người lao động. Tại các doanh nghiệp có quy mô lớn, tổ chức công đoàn xuống tận dây chuyền, xưởng hỏi thăm, động viên chúc Tết đoàn viên; tổ chức các mini show bốc thăm trúng thưởng với nhiều phần quà có giá trị.

Nhiều doanh nghiệp có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực khác như tặng quà, tổ chức xe đưa đón, hỗ trợ tiền tàu xe để công nhân quay lại thành phố làm việc. Tại một số tỉnh phía bắc, tổ chức công đoàn đã tới tận các khu nhà trọ thăm hỏi, nắm bắt tình hình người lao động trở lại làm việc sau Tết, chúc mừng năm mới, mừng tuổi toàn thể người lao động. Điều đáng phấn khởi là ngay từ ngày làm việc đầu tiên, công nhân, viên chức, lao động đã tích cực hưởng ứng việc đăng ký các công trình, sản phẩm chất lượng cao mừng Đảng, mừng Xuân mới, tạo khí thế ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm.

Lý giải tỷ lệ công nhân, lao động quay trở lại những ngày đầu năm ở nhiều nơi đạt cao, tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết ít hơn mọi năm là do tình hình dịch bệnh phức tạp, hàng triệu công nhân, lao động sản xuất tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên cả nước đã không về quê ăn Tết. Thêm nữa, phần lớn các doanh nghiệp, địa phương đều có chính sách tốt để hỗ trợ, thu hút lao động quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, họ được chính quyền địa phương quan tâm, tổ chức công đoàn có nhiều hoạt động chăm lo Tết cho công nhân khó khăn với phương châm không để người lao động nào không có Tết.

Trước đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận định, từ sự nỗ lực của các cấp, ngành, công đoàn, bảo đảm chế độ lương, thưởng Tết thỏa đáng, cùng những biện pháp phục hồi kinh tế của các địa phương khiến người lao động vững tin, yên tâm bám trụ tại doanh nghiệp. Do vậy, khả năng thiếu hụt lao động những ngày lao động sản xuất đầu năm chỉ khoảng từ 10% đến 15%. Việc tuyển dụng lao động khó khăn sẽ xảy ra tại một số doanh nghiệp mới thành lập tại các khu công nghiệp, nếu doanh nghiệp không đưa ra được những chính sách đãi ngộ công nhân tốt hơn so với mặt bằng chung.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng nhận định tình hình sản xuất vẫn đang trong quá trình phục hồi. Một số phục hồi 100%, tuy nhiên có doanh nghiệp chỉ đạt 60%. Về cơ bản, mức phục hồi bình quân chung đạt 85%. Với tỷ lệ phục hồi này, khả năng thiếu lao động trầm trọng có thể không xảy ra. Hoặc nếu có, sẽ vào khoảng quý III, IV, khi các doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất hoàn toàn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia lao động, công đoàn cũng cảnh báo, dù không thiếu trầm trọng nguồn lao động sau Tết, nhưng vấn đề đặt ra tại thời điểm này chính là việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, thời gian tới, các doanh nghiệp vừa tiến hành tuyển dụng lao động phổ thông, vừa tiến hành đào tạo lại.

Đối với những ngành nghề đòi hỏi công nghệ thấp có thể sử dụng lao động ngay sau khi tuyển dụng, nhưng những ngành nghề đòi hỏi công nghệ cao cần có thời gian phục hồi. Các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp rất chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm hướng nghiệp để thực thi nhiệm vụ này. Nếu làm tốt vấn đề này, dự báo khoảng cuối quý I, đầu quý II, thị trường lao động cơ bản trở lại đúng lộ trình mong muốn.

(Theo nhandan.vn)

 

.
.
.