.

Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình

Cập nhật: 09:45, 19/03/2022 (GMT+7)

Gia đình là tế bào của xã hội. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, hướng đến sự phát triển bền vững đất nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về gia đình nhằm phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thì xã hội sẽ phát triển bền vững.

NHỮNG THÁCH THỨC TRONG XÂY DỰNG GIA ĐÌNH

Thời gian qua, công tác gia đình (CTGĐ) nói chung và việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nói riêng trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện của các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở đạt nhiều kết quả phấn khởi, góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Tuy nhiên, việc xây dựng gia đình hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức như tình trạng ly hôn có chiều hướng gia tăng; tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, bạo hành, xâm hại trẻ em, sự xuống cấp về đạo đức, chuẩn mực ứng xử, lối sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm… tiếp tục xâm nhập vào gia đình.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do vẫn còn một số ít cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm và có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình. Công tác truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống chưa phát huy hiệu quả cao, nhất là chưa xem việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình là nền tảng, là tiền đề để hình thành nhân cách con người, từ đó kết hợp với giáo dục đạo đức, lối sống ở nhà trường, cộng đồng và xã hội.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo CTGĐ tỉnh, huyện tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc. 	                                                                                                                                                                    Ảnh: THU HOÀI
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo CTGĐ tỉnh, huyện tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh: THU HOÀI

Nhiều gia đình còn xao nhãng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trẻ, thậm chí có những gia đình còn “khoán” việc giáo dục nhân cách, lối sống của con mình cho nhà trường và xã hội. Bản thân các thành viên gia đình cũng không hình thành được lối sống gương mẫu cho thế hệ trẻ, không duy trì được nền tảng, giá trị đạo đức trong các hành vi ứng xử trong gia đình.

Bên cạnh đó, hiện nay, giới trẻ đang hằng ngày, hàng giờ tiếp xúc với những lối sống, hành vi ứng xử bên ngoài xã hội, đặc biệt là trên môi trường mạng Internet mà ở đó tồn tại không ít những tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, sự thực dụng, trọng tiền tài, danh vọng, ích kỷ và tệ nạn xã hội...

TIẾP TỤC TẠO SỰ CHUYỂN BIẾN

Thực hiện Quyết định 96 ngày 19-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình (gọi tắt là Chương trình) đến năm 2030, vừa qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Mục đích của kế hoạch thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội và mỗi người dân trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện từ gia đình, khơi dậy khát vọng cống hiến góp phần xây dựng và phát triển đất nước Kế hoạch đề ra một số mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 70% và đến năm 2030 đạt trên 90% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 100% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được cung cấp tài liệu về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.Tương tự đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt trên 95% công nhân, lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; 100% đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh hằng tháng có nội dung tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên hệ thống thông tin cơ sở…

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu vừa nêu trên, UBND tỉnh giao  các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp tục đổi mới công tác truyền thông nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về gia đình; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho các thành viên trong gia đình; phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục đạo đức lối sống. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống trong gia đình.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực và hiệu quả cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho CTGĐ, ưu tiên vùng nông thôn và nơi có nhiều khu, cụm công nghiệp của tỉnh…

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3-2022 với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” thiết nghĩ các ngành, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở và mỗi gia đình cần tiếp tục có những hành động cụ thể, ý nghĩa, thiết thực quan tâm giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình. Xây dựng nhân cách mỗi người từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; ứng xử trong gia đình: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ, góp phần tạo nền tảng vững chắc xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc.

NGUYỄN MINH PHÚC

 

.
.
.