Chấn chỉnh tình trạng khai thác đất trái phép
Gần đây, trên địa bàn huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang hoạt động khai thác đất trái phép lại diễn ra khá rầm rộ. Trước tình trạng này, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện đã phối hợp cùng ngành chức năng tăng cường quản lý hoạt động khai thác đất trái phép; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng đất để san lấp mặt bằng phục vụ các công trình, dự án và nhu cầu dân sinh rất lớn, nên tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép diễn ra ở nhiều nơi. Thông thường, chủ sở hữu đất sẽ cho đơn vị khai thác đến lấy lớp đất mặt ruộng hay đất bờ kinh mang đi nơi khác để phục vụ việc san lấp mặt bằng.
Lực lượng chức năng kiểm tra một vụ khai thác đất mặt. |
Tình trạng khai thác trái phép này không những gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, tác động xấu đến môi trường sinh thái, mà còn để lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến hệ thống các công trình thủy lợi, gây ra tình trạng sạt lở làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Gò Công Tây Lê Kiến Thông cho biết, thời gian qua, UBND các xã đã kiểm tra lập biên bản 22 trường hợp khai thác đất mặt; trong đó, xử phạt 3 trường hợp, cụ thể như: Xã Đồng Thạnh tổ chức kiểm tra phát hiện 3 trường hợp khai thác đất mặt, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính mỗi trường hợp 4 triệu đồng.
Xã Long Bình kiểm tra phát hiện 15 hộ dân, xã Bình Tân phát hiện 4 hộ dân cho, bán đất cho các tổ chức, cá nhân khai thác đất mặt, tiến hành cho cam kết ngưng ngay việc khai thác đất mặt; đồng thời, mời 7 hộ dân cam kết không được khai thác đất mặt. Còn Tổ liên ngành huyện kiểm tra phát hiện 19 trường hợp khai thác đất mặt, cụ thể như: Xã Long Bình 14 trường hợp vi phạm, xã Bình Tân 5 trường hợp.
Đơn vị, cá nhân khai thác đất mặt trái phép bị xử lý theo Nghị định 36/2020 ngày 24-3-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định 04/2022 ngày 6-1-2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản.
Đồng chí Lê Kiến Thông cho biết thêm, để tăng cường công tác quản lý về khai thác đất mặt, trong thời gian tới, Phòng TN-MT tiếp tục phối hợp các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật liên quan lĩnh vực khoáng sản kết hợp với các đợt kiểm tra, xử lý vi phạm và các đợt tập huấn, hội nghị của ngành TN-MT.
Ngoài ra, Tổ liên ngành huyện sẽ tổ chức kiểm tra thường xuyên trong giờ hành chính và kiểm tra đột xuất vào ban đêm, kể cả ngày nghỉ vào mùa khô trong thời gian cao điểm kết hợp tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh tình trạng khai thác đất mặt, đất bờ kinh trái phép trên địa bàn huyện thông qua đường dây nóng, đơn thư, trên phương tiện thông tin đại chúng... để phát hiện, xử lý kịp thời.
Để đảm bảo ổn định môi trường sản xuất nông nghiệp, người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đơn vị chuyên môn để được tư vấn, hướng dẫn trong việc khai thác, cải tạo đất nông nghiệp, nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ phát triển kinh tế địa phương.
KIỀU TƯỚC NGUYÊN