Lãnh bảo hiểm xã hội hình thức nào?
(ABO) Năm 1987, ba tôi về hưu có 2 phương án: Lãnh bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần và lãnh lương hưu hằng tháng. Ban đầu ông định chọn lãnh một lần vì tính ra với 1 cục tiền đó gửi vào hợp tác xã tín dụng, tiền lãi hằng tháng vẫn hơn lương hưu.
Bác Tư khuyên ba tôi nên lãnh hằng tháng, vì theo ông, cán bộ về hưu có dịp tới lui lãnh lương hưu gặp gỡ mọi người tốt hơn nằm nhà quanh năm suốt tháng. Ba tôi nghe lời chọn phương án lãnh hằng tháng. Và mấy mươi năm nay, ông có thể sống không cần trợ giúp của con cái. Cả gia đình tôi rất biết ơn bác Tư, mặc dù khi đưa ra lời khuyên, ông đâu biết tình hình lương hưu thay đổi trong mấy mươi năm nay như thế nào.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đề xuất giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm trong đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi trình Chính phủ. Nếu được thì đây là sự thay đổi đáng kể đối với người tham gia đóng BHXH. Tuy nhiên, đối với người lao động hưởng BHXH 1 lần hay lãnh lương hưu hằng tháng vẫn mãi là sự lựa chọn khó khăn.
Hiện nay, quan điểm tiền doanh nghiệp và Nhà nước đóng vào quỹ BHXH thực chất là đóng cho người lao động, phục vụ quyền lợi người lao động nên đó cũng là tiền của người lao động. Mà đã là tiền của người lao động thì họ muốn sử dụng kiểu nào là tùy họ. Tại sao phải từ 15 hay 20 năm đóng BHXH mới được hưởng lương hưu hằng tháng hay ngược lại, tại sao phải dưới 15 năm hay 20 năm mới được rút ra 1 lần. Mà đã không có tùy biến thì không đáp ứng được sở nguyện của từng người.
Thử đặt vấn đề theo quan điểm khác. Tiền đóng vào quỹ BHXH như hiện nay từ lương của người lao động có phần đóng vào quỹ lương hưu. Bất cứ lúc nào không tiếp tục đóng, họ được quyền rút ra phần này (kể cả lúc hết tuổi lao động), hoặc để lại để chờ hưởng lương hưu hằng tháng. Phần người sử dụng lao động đóng vào quỹ BHXH chính là đóng vào quỹ an sinh xã hội.
Phần này sẽ để chi trả cho người lao động (người mà người sử dụng lao động đã thuê mướn) để họ có một khoản tiền sau khi không còn tuổi lao động. Và khoản đóng này chỉ được dành để trợ cấp cho người về hưu hằng tháng. Quỹ này còn có thể được bổ sung từ ngân sách nhà nước tùy thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế. Thí dụ như ngân sách sẽ chi trả thêm để người lãnh trợ cấp tối thiểu đạt được thu nhập trên mức thu nhập bình quân đầu người của hộ cận nghèo chẳng hạn. Vì nói cho cùng, Nhà nước thu thuế của doanh nghiệp cũng nhờ công sức lao động của họ.
Việc còn lại là nghiên cứu đưa ra mức đóng và mức hưởng BHXH phù hợp cho từng trường hợp. Có như vậy phần nào mới giải quyết được nỗi lo về an sinh xã hội cho người không còn tuổi lao động.
NGUYỄN HUỲNH ĐẠT