.

Vị ngọt Cánh đồng hoang

Cập nhật: 16:45, 10/04/2022 (GMT+7)

Sau hơn 40 năm ra đời, bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam Cánh đồng hoang (ra mắt năm 1979) với hình ảnh đứa bé mới mấy tháng tuổi bị dìm xuống nước giữa vùng lũ Đồng Tháp Mười, trong tiếng đạn bắn, máy bay gầm rú… thực sự gây ám ảnh.

Trở lại cánh đồng, nơi từng là “phim trường” của bộ phim, cánh đồng chết chóc năm xưa giờ đã là vựa lúa của tỉnh Long An, còn đứa bé, diễn viên quần chúng ngày nào, giờ trở thành tỷ phú chân đất.

1. Từ TP Tân An (tỉnh Long An), theo quốc lộ 62 về vùng Đồng Tháp Mười hơn 50km, rồi rẽ vào đường kênh 79 hơn 20km nữa, chúng tôi đến xã Vĩnh Bửu, huyện biên giới Tân Hưng, quê hương của đạo diễn Hồng Sến và đứa bé trong bộ phim Cánh đồng hoang ngày nào.

Ngày ấy, vùng lũ Đồng Tháp Mười là cánh đồng hoang, mỗi năm ngập chìm trong nước lũ mấy tháng, chỉ có rừng tràm và cây lúa ma mới có thể sinh sôi. Ở thập niên 80 của thế kỷ trước, từ bên ngoài muốn vào Đồng Tháp Mười phải đi đường thủy. Đồng Tháp Mười từng là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, là nơi đối đầu của ý chí và lòng yêu nước Việt Nam với các phương tiện chiến tranh hiện đại của quân xâm lược, được thể hiện rất cô đọng và ấn tượng trong phim Cánh đồng hoang.

Nhưng giờ đây, đường nhựa, đường bê tông trải khắp, nhà cửa kiên cố mọc lên, cùng nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả đã mang đến cho người dân nơi đây cuộc sống mới. Sau hơn 30 năm khai hoang Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An đã cải tạo đất, rửa phèn, biến vùng biên giới hoang vu, thưa thớt bóng người thành vựa lúa của tỉnh. Những cánh đồng hoang mênh mông ngày nào, giờ đã là những đồng lúa xanh rì hoặc những ruộng khoai mỡ xanh ngát, ruộng trồng mai vàng ngút ngàn, giá mỗi hécta ruộng phải tính bằng tiền tỷ.

Cách đây 20 năm, chúng tôi đã từng đến đây. Lần ấy, ông Hai Việt (Nguyễn Văn Việt, cháu gọi đạo diễn Hồng Sến bằng bác ruột, cha của đứa bé trong phim Cánh đồng hoang) chạy vỏ lãi theo kênh T2 mấy cây số ra đầu kênh 79 để đón chúng tôi. Còn lần này, chúng tôi chạy xe thẳng vào tận sân nhà anh, bởi đường sá giờ đã thông thương…

2. Chúng tôi hỏi thăm đứa bé trong phim Cánh đồng hoang (anh Nguyễn Văn Thuận, SN 1979, con ông Hai Việt), ông Việt nói: “Nó hết lái máy cày rồi, giờ trồng cây ăn trái, nuôi rắn bán cho nhà hàng. Nó đang phun thuốc trừ sâu vườn cây ăn trái sau nhà, để tui kêu”.

Giữa khu vườn rộng gần chục hécta nằm sát con lộ đang thi công dở dang, dưới trời nắng gay gắt, chúng tôi bắt gặp một anh nông dân trong bộ đồ bảo hộ đang phun thuốc cho cây trái trong vườn. Anh Thuận chia sẻ về vai diễn đầu tiên và cũng là duy nhất của mình: “Đến năm 15 tuổi tôi mới được thấy mình trên màn ảnh dù từ nhỏ gia đình và bà con lối xóm hay kể cho tôi nghe về chuyện đóng phim. Dù chỉ một lần, nhưng tôi thấy tự hào bởi nhiều người tò mò khi có dịp đến vùng biên giới này là tìm đến nhà hỏi thăm tôi. Khi học hết phổ thông, ông Tư (đạo diễn Hồng Sến) kêu tôi lên TPHCM ở nhà ông học nghề diễn viên, do ông tài trợ. Nhưng chưa được bao lâu thì ông Tư qua đời, tôi bỏ học trở về quê làm ruộng”.

Cậu bé trong phim năm xưa tuy không có duyên với điện ảnh, nhưng bây giờ đã trở thành một nông dân vạm vỡ, có vợ và 2 con trai. Nhờ chăm chỉ làm ăn, anh đã sở hữu hơn 10ha ruộng lúa, vườn cây ăn trái và gần 10 ao nuôi tôm, cá, ếch… Có thể nói “diễn viên nhí” trong phim ngày nào bây giờ đã trở thành tỷ phú của vùng Đồng Tháp Mười.

a
Cha con ông Hai Việt có 200 con rắn cái và hàng trăm rắn giống

Ông Hai Việt cho biết, anh Thuận đang đắp nền để chuẩn bị cuối năm cất nhà ở riêng; dự định cất nhà lầu, xây sẵn nhà xe hơi để khi cần thì mua xe “đi thăm ruộng”… Nhắc về bộ phim Cánh đồng hoang, ông Hai Việt kể: “Bác Hồng Sến chỉ nói mượn đứa nhỏ đi đóng phim chứ không nói có cảnh dìm xuống nước. Khi quay phim, ổng không cho vợ chồng tui đi xem vì sợ chúng tôi xót ruột.

3. Bên mâm cháo cá đãi khách, ông Hai Việt kể: “Từ khi nhà nước đầu tư đào kênh xả phèn, cải tạo… đã giúp ruộng đất nơi đây ngày càng màu mỡ, trồng được 2-3 vụ lúa mỗi năm với năng suất cao, đời sống và bộ mặt nông thôn ngày càng sáng lên. Nhưng chỉ với cây lúa, người nông dân khó mà làm giàu. Vài năm trở lại đây xuất hiện nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi khác nhau đã làm phong phú, giàu có hơn cho vùng Đồng Tháp Mười như trồng khoai mỡ, nuôi thủy sản, nuôi rắn ri voi”.

Nghề nuôi rắn ri voi hiện nay là mô hình lý tưởng, mở ra hướng đi mới cho bà con vùng đất bưng biền này cải thiện thu nhập, bởi rắn có giá hơn 600.000 đồng/kg. Ông Hai Việt là người đầu tiên trong xã Vĩnh Bửu nuôi loại rắn này với 2 hồ xi măng cao hơn 1m, 1/2 diện tích bể là lục bình để tạo môi trường tự nhiên, còn lại để trống để thả mồi cho rắn ăn. Từ lúc đặt dớn lựa chọn được 4 con để nuôi, sau 6 năm, cha con ông Hai Việt đã có 200 con rắn cái và hàng trăm rắn con giống, giá trị lên đến tiền tỷ.  

Cùng với sự cần cù của cha con anh Thuận và những nông dân sản xuất giỏi, sáng tạo chịu khó tìm hướng phát triển kinh tế, vùng cánh đồng hoang mỗi năm 3-4 tháng ngập chìm trong nước lũ ngày nào, giờ đây đã xanh mướt những ruộng lúa, đường sá mở rộng, nhiều mô hình cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản… giúp cho người dân nơi đây có cuộc sống khấm khá hơn từng ngày.

Chia tay cha con ông Hai Việt, chúng tôi thầm nghĩ nếu ngày ấy anh Thuận không bỏ học nghề diễn viên giữa chừng, thì giờ ra sao? Có thể anh may mắn trở thành diễn viên, mà cũng có thể không. Nhưng chắc chắn một điều, chính việc anh Thuận trở về quê làm ruộng và làm giàu đã góp phần làm cho cánh đồng hoang tiếp tục nổi tiếng và phim trường ngày trước vẫn là nơi thu hút du khách mỗi khi đến Đồng Tháp Mười.

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.