Xâm nhập mặn ở ĐBSCL giảm nhờ dòng chảy sông Mekong và dung tích nước trong hồ Tonle Sap tăng
Dòng chảy trên sông Mekong và dung tích nước trong hồ Tonle Sap ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và những năm xảy ra xâm nhập mặn nghiêm trọng. Điều này, giúp tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở mức nhẹ hơn các năm trước đó.
Trạm bơm Bình Phan (Chợ Gạo, Tiền Giang) mùa khô 2019 - 2020. Ảnh: Trung Chánh |
Báo cáo của Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam thuộc Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy hai yếu tố thượng lưu quan trọng ảnh hưởng đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, đó là lượng trữ nước trong hồ Tonle Sap và dòng chảy đến Kratie.
Theo đó, tại trạm Kratie, tính đến 7 giờ ngày 14-4 vừa qua, mực nước tại đây đạt mức 8,1 mét, cao hơn 1,82 mét so với trung bình nhiều năm và so với cùng kỳ mùa khô 2015 - 2016, 2017 - 2018, 2019 - 2020 và 2020 - 2021, lần lượt cao hơn 0,78 mét, 0,4 mét, 1,01 mét và 0,6 mét.
Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam cho biết dòng chảy về ĐBSCL phục thuộc vào sự điều tiết của các đập thuỷ điện ở thượng nguồn.
Cụ thể, trong tuần từ ngày 7 đến 14-4, xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) xuống hạ lưu dao động trong khoảng từ 1.123 m3/giây đến 1.916 m3/giây. Mực nước tại thuỷ điện Cảnh Hồng hiện ở mức 536,46 mét tương ứng với lưu lượng xả khoảng 1.332 m3/giây. Các hồ chứa trên lưu vực sông Mekong còn dung tích điều tiết bình quân vào khoảng 43,8%, tương đương với tổng dung tích còn khoảng 28,7 tỉ m3.
Trong khi đó, dung tích hồ Tonle Sap - đóng vai trò phân phối nước về ĐBSCL trong mùa khô - hiện còn khoảng 2,21 tỉ m3, cao hơn trung bình nhiều năm 0,32 tỉ m3 và cao hơn cùng kỳ mùa khô 2015 - 2016, 2017 - 2018, 2019 - 2020 và 2020 - 2021 lần lượt ở mức 0,79 tỉ m3, 0,23 tỉ m3, 0,79 tỉ m3 và 0,47 tỉ m3.
Trữ lượng nước trong hồ Tonle Sap và cả dòng chảy sông Mekong hiện đều ở mức cao hơn các năm xảy ra khô hạn nghiêm trọng như năm 2015 - 2016 hay 2019 - 2020, cho nên diễn biến xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang ở mức nhẹ hơn rất nhiều.
Cụ thể, Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam dự báo, xâm nhập mặn lớn nhất trong tháng 4-2022 với ranh mặn 4 gam/lít trên sông Tiền xâm nhập sâu vào nội đồng chỉ khoảng 40 - 50 km; sông Hàm Luông là 50 - 60 km và các cửa sông khác khoảng 40 - 50 km.
Trong khi đó, trên hệ thống sông Vàm Cỏ ranh mặn 4 gam/lít xâm nhập sâu nhất khoảng 65 - 75 km và ven biển Tây nhờ có hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé đã đưa vào hoạt động nên xâm nhập mặn đã được chủ động kiểm soát.
(Theo thesaigontimes.vn)