Còn nhiều doanh nghiệp nợ, trốn, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
(ABO) Đó là một trong những nội dung được lãnh đạo Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Tiền Giang báo cáo với Đoàn giám sát, kiểm tra của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam do Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy viên Hội đồng quản lý BHXH Hoàng Quang Phòng làm Trưởng đoàn đến làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang vào chiều 24-5.
Đồng chí Hoàng Quang Phòng phát biểu tại buổi làm việc. |
Theo báo cáo của BHXH tỉnh Tiền Giang, tình trạng nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn còn phổ biến. Tính đến 30-4-2022, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 172,732 tỷ đồng, chiếm 3,6% kế hoạch thu năm 2022, cao hơn 0,87% kế hoạch BHXH Việt Nam giao quý II-2022 (2,73%).
Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh, đến hết tháng 4-2022 còn 3.538 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn với khoảng 33.345 lao động chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN.
Vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN) nợ, trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động (NLĐ). Đến tháng 4-2022, có 515 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3, 6, 12… tháng trở lên với số tiền nợ trên 95,584 tỷ đồng.
Riêng số đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động là 48 đơn vị, số tiền nợ BHXH là 15,424 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Văn Mười phát biểu tại buổi làm việc. |
Lý giải về tình trạng này, Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang Võ Khánh Bình cho biết, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhiều DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên việc chuyển nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN không kịp thời, dẫn đến nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN.
Bên cạnh đó, vẫn còn không ít DN cố tình trốn đóng, thường xuyên nợ đọng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN dẫn đến số tiền nợ lớn, thời gian nợ kéo dài.
Ý thức chấp hành pháp luật của một số DN chưa tốt, việc khai báo tăng giảm lao động của các DN thực hiện không nghiêm túc. Điển hình như số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp trên 6.000 đơn vị, với hơn 205.000 lao động, nhưng qua đối chiếu, rà soát với dữ liệu quản lý thu do BHXH tỉnh quản lý thì chỉ có 2.672 đơn vị với 139.438 lao động tham gia BHXH bắt buộc.
Trong năm 2021, qua rà soát nguồn dữ liệu chia sẻ từ cơ quan Thuế đối với 699 đơn vị tăng mới chưa đăng ký tham gia BHXH, có 64 đơn vị không tồn tại theo địa chỉ đăng ký kinh doanh, ngừng hoạt động đã cho đơn vị khác thuê trụ sở. Ngoài ra, việc khởi tố các đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố…
Thành viên Đoàn giám sát, kiểm tra phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với UBND tỉnh. |
Tại đây, BHXH tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã kiến nghị Đoàn giám sát kiến nghị Bộ LĐTBXH phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN và bảo đảm quyền lợi của NLĐ đối với các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN đối với NLĐ...
Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang Võ Khánh Bình báo cáo kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại Tiền Giang. |
Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đã đánh giá ưu điểm, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng quỹ BHYT; tình hình phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí đề nghị lãnh đạo tỉnh nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng BHYT, BHXH tỉnh để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là sớm giải quyết tình trạng nợ BHXH, BHYT đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đồng thời, ghi nhận những kiến nghị của BHXH tỉnh, các ngành tỉnh; đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách về BHXH, BHYT tại tỉnh Tiền Giang.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh giải trình làm rõ các vấn đề thành viên Đoàn giám sát, kiểm tra đặt ra, đồng thời phân tích những khó khăn, bất cập còn tồn tại trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Mười đã cảm ơn những đánh giá khách quan của các thành viên trong Đoàn giám sát của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam; đồng thời, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến nhận xét, những giải pháp của Đoàn giám sát trong công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí cũng đã thông tin đến Đoàn giám sát về những chủ trương, giải pháp mà tỉnh đã và đang triển khai thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Đồng chí mong tiếp tục nhận được sự quan tâm toàn diện của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ, tư vấn giúp lãnh đạo tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn của địa phương.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu và định hướng một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tỉnh tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại Tiền Giang còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đồng chí nêu ra 6 nhóm giải pháp đề nghị thời gian tới Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, các ngành, các cấp trong tỉnh tổ chức thực hiện.
Trong đó, cần tiếp tục chỉ đạo nâng cao nhận thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách BHXH, BHYT; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công, đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế nhằm đáp ứng sự hài lòng của người dân; tăng cường phối hợp giữa các ngành LĐTBXH, Y tế, Công an, Tài chính với cơ quan BHXH trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT, BHXH, BHTN trên địa bàn tỉnh, kịp thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật…
HOÀI THU