.

2 nhà báo luôn "cháy" hết mình với nghề

Cập nhật: 07:54, 21/06/2022 (GMT+7)

PHÓNG VIÊN TRỌNG HIẾU, ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH TIỀN GIANG:

Ngoài lòng yêu nghề, phải có sự sáng tạo

Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Cần Thơ, anh Trọng Hiếu không nghĩ sẽ làm phóng viên. Làm trái ngành được đào tạo, nên lúc đầu anh gặp rất nhiều khó khăn. Trong quá trình công tác, anh đã không ngừng học hỏi những nhà báo đi trước, bạn đồng nghiệp, đặc biệt là học hỏi trong lúc tác nghiệp, dần dần anh cảm thấy thú vị và đam mê với nghề báo.

Trọng Hiếu chia sẻ: “Tôi được cơ quan phân công viết mảng Nội chính, là một lĩnh vực không dễ dàng. Để có được những tác phẩm hay, đòi hỏi người làm báo phải nghiên cứu sâu các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để khi đi thực tế biết cách khai thác tư liệu, từ đó sáng tạo trong cách viết, chủ đạo là viết theo tư tưởng báo chí của Bác Hồ là “viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào?...” với văn phong đa dạng. Mặt khác, phải thường xuyên đi cơ sở để có cảm xúc thể hiện trong tác phẩm, viết sát, đúng với thực tế; chăm chút trong việc sử dụng câu, từ, giúp người đọc, người nghe, người xem đài  dễ hiểu, nhớ lâu và có thể vận dụng…

Trong bối cảnh hiện nay, đối với loại hình báo chí phát thanh và truyền hình, đòi hỏi mỗi nhà báo phải không ngừng học hỏi, tìm tòi để sử dụng thành thạo các trang thiết bị hiện đại, phù hợp xu thế của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, trở thành một phóng viên đa phương tiện.

Theo Trọng Hiếu, muốn trở thành nhà báo giỏi, ngoài lòng yêu nghề, thì phải có sự sáng tạo, bởi sáng tạo là yếu tố quyết định thành công của một tác phẩm. Ngày nay, đối với loại hình  báo chí phát thanh và truyền hình, các tác phẩm có nhiều hình thức thể hiện. Trọng Hiếu may mắn được tham gia các chương trình liên hoan phát thanh và truyền hình toàn quốc hằng năm, có cơ hội để tiếp xúc học hỏi kinh nghiệm của những nhà báo giỏi.

Các tác phẩm của Trọng Hiếu khá đa dạng và phong phú về đề tài, bắt nhịp theo từng bước phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Trong đó, nhiều tác phẩm của Trọng Hiếu đã nhận được giải thưởng cấp tỉnh và toàn quốc như: Nhà giàn trong trái tim tôi (Giải C - Giải Báo chí Tiền Giang - Nguyễn Văn Nguyễn năm 2014 - 2015); Qua vùng hạn, mặn (Giải B - Giải Báo chí Tiền Giang - Nguyễn Văn Nguyễn năm 2019 - 2020); Tiền Giang bình tĩnh, chủ động phòng, chống dịch Covid-19 (Giải C - Giải Báo chí Tiền Giang - Nguyễn Văn Nguyễn năm 2019 - 2020); được Ban Tổ chức Hội Báo toàn quốc trao Giấy Chứng nhận đoạt giải Chương trình phát thanh - truyền hình ấn tượng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, với tác phẩm Ước vọng đầu xuân; cùng nhiều Bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lĩnh vực Phát thanh và Truyền hình năm 2020, Bằng khen của UBND tỉnh đã có thành tích trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2021. Mới đây, anh đã lãnh giải Đặc biệt Giải Báo chí Tiền Giang - Nguyễn Văn Nguyễn năm 2021 - 2022, với tác phẩm Tiền Giang trong đại dịch Covid-19.

PHÓNG VIÊN THU THỦY, ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH TIỀN GIANG:
Cần có phương pháp, kỹ năng, tác phong làm báo phù hợp

Trong thời đại số hiện nay, đòi hỏi nhà báo phải có phương pháp, kỹ năng, tác phong làm báo phù hợp và có đạo đức nghề nghiệp. Là phóng viên chuyên viết cho truyền hình, khi có cơ hội tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng phóng viên đa phương tiện là tôi tham gia và tự mài mò tìm hiểu để đáp ứng xu hướng báo chí hiện nay. Công tác tại cơ quan Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang, báo nói và báo hình có cách thể hiện riêng. Từ năm 2021, bản thân có cơ hội làm báo phát thanh nhiều hơn, đòi hỏi bản thân phải nâng cao tay nghề ở lĩnh vực này để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Có nhận định, phát thanh ngày càng khó cạnh tranh trong báo chí hiện đại. Tuy nhiên, thực tế, phát thanh vẫn phát triển mạnh, do xu thế sản xuất phát thanh hiện đại. Bước đầu, chị tìm tòi về cách làm phát thanh hiện đại, để đáp ứng nhu cầu của người nghe, là không chỉ nghe thông tin từ phát thanh, mà phải có sự sinh động mang đến cho người nghe. Sự sinh động này là: Âm thanh cuộc sống, ngôn ngữ hình tượng, âm thanh hiện trường.... Có như vậy, sản phẩm mới thuyết phục được thính giả. Đó là những gì chị áp dụng trong thể hiện tác phẩm phát thanh hiện nay.

Phóng viên trẻ hiện nay hay gặp trường hợp bị bí đề tài. Thật ra, đề tài rất nhiều, quan trọng là góc nhìn, cách khai thác. Nếu thường xuyên đi cơ sở, chịu khó quan sát những chuyển động trong cuộc sống hằng ngày sẽ có những đề tài hay. Lao động báo chí là lao động mang tính đặc thù, đòi hỏi nhà báo phải có tư duy độc lập, khách quan, sáng tạo, phải biết phân tích đầy đủ bản chất của sự vật, hiện tượng khi muốn thông tin, phản ánh… Trình độ của bạn nghe và xem đài không ngừng được nâng cao, vì vậy nhà báo cần phải liên tục trau dồi, tích lũy kiến thức văn hóa - xã hội để tạo ra các sản phẩm báo chí đạt cả chất và lượng.

Chị Thu Thủy chia sẻ, tác phẩm truyền hình hay phát thanh luôn là tác phẩm của tập thể. Hậu phương của người làm báo không chỉ có gia đình, mà còn có các biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên làm việc thầm lặng ở hậu kỳ, sản xuất ra những tác phẩm chỉn chu nhất, mang đến cho công chúng những hình ảnh chân thật, sống động nhất. May mắn là chị có “hậu phương” vững chắc, luôn động viên, tiếp sức để tiếp tục cống hiến và “cháy” hết mình với nghề. Xin được tri ân những người làm “hậu phương” cho các nhà báo.

LÝ OANH

.
.
.