.

Nhiều trăn trở với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Cập nhật: 20:21, 14/06/2022 (GMT+7)

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được xây dựng để phát huy truyền thống văn hóa của gia đình trên cơ sở thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, không thể rập khuôn máy móc, sao chép các luật của quốc gia khác mà phải biết kế thừa, phát huy...

a
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, chiều 14/6, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cảm ơn các ý kiến phát biểu tâm huyết, phong phú, thực tiễn và khoa học của các đại biểu Quốc hội cho dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là một luật khó, có phạm vi rộng, hàm chứa các vấn đề liên quan đến quyền con người được Hiến pháp quy định, có liên quan đến nhiều vấn đề đang được điều chỉnh bởi các luật khác về trẻ em, về người cao tuổi, về hôn nhân gia đình. Việc kế tục, phát huy được những quy định pháp luật sẵn có và thiết kế được những điều luật mới vừa đảm bảo hợp lý, thống nhất không phải việc đơn giản.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đây là một cơ sở chính trị để các đại biểu nghiên cứu, nhưng cũng còn các cơ sở pháp lý khác rất quan trọng như quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Dự thảo Luật được xây dựng để phát huy truyền thống văn hóa của gia đình trên cơ sở thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, không thể rập khuôn máy móc, sao chép các luật của quốc gia khác mà phải biết kế thừa, phát huy những giá trị này để giữ được gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.

Về những vấn đề chung, các đại biểu tiếp tục làm rõ hơn thực trạng công tác phòng, chống bạo lực trong thời gian qua, nêu lên những mong muốn, tranh luận để làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu đang còn có ý kiến khác nhau.

Các đại biểu cũng đề cập đến kỹ thuật lập pháp, yêu cầu làm rõ hơn về vấn đề giải thích từ ngữ, các khái niệm, các nội hàm. Cơ quan soạn thảo đã cố gắng tìm kiếm các thuật ngữ về mặt pháp luật từ điển Việt Nam để rõ nghĩa nhất, ai cũng có thể đọc và hiểu được, đảm bảo thuận lợi khi áp dụng pháp luật.

Đối với nhóm vấn đề về hành vi bạo lực gia đình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật trình lần này đã phân loại ra 4 nhóm lĩnh vực về bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trên cơ sở góp ý của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nhận diện và kiểm định đầy đủ các hành vi này.

Bộ trưởng cho biết thêm, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề thực hiện hòa giải, quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan, các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức và đẩy mạnh truyền thông… để hoàn thiện dự thảo Luật đạt chất lượng cao nhất.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Quốc hội đã làm việc tích cực, dân chủ, nghiêm túc, khẩn trương, có 21 ý kiến phát biểu, 6 ý kiến tranh luận. Đây là dự án luật được dư luận xã hội cũng như đại biểu Quốc hội rất quan tâm nên Quốc hội có nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc trên tinh thần xây dựng, nhiều ý kiến góp ý cụ thể, xác đáng xuất phát từ thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã báo cáo giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Bộ phận thư ký đã ghi chép, ghi âm đầy đủ, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp gửi đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có báo cáo giải trình, tiếp thu để trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

(Theo chinhphu.vn)

 

.
.
.