.

Phòng chống tin giả: Có những giải pháp đồng bộ như phòng chống dịch

Cập nhật: 22:00, 12/07/2022 (GMT+7)

Tin giả, hay còn gọi là fake news, ngày càng xuất hiện nhiều trên các nền tảng xã hội với nội dung chưa được kiểm duyệt. Nhiều thông tin thậm chí có chủ đích đang tác động đến hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt là thông tin về thị trường chứng khoán, bất động sản, tài chính…

Fake news xuất hiện ngày càng nhiều

Vụ việc đang được dư luận chú ý vài ngày gần đây là thông tin sai sự thật liên quan đến Chủ tịch Phạm Nhật Vượng của tập đoàn Vingroup bị cấm xuất cảnh.

Tin đồn về chủ tịch tập đoàn lớn tại Hà Nội lan truyền trên mạng xã hội.
Tin đồn về chủ tịch tập đoàn lớn tại Hà Nội lan truyền trên mạng xã hội.

Ngay sau đó, Bộ Công an thông tin, gần đây, một số tài khoản mạng xã hội lan truyền thông tin về cá nhân đứng đầu doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị áp dụng một số biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, những thông tin do một số tài khoản mạng xã hội nêu trên là tin đồn thất thiệt, không chính xác.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định 10 người tung tin thất thiệt liên quan đến chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh. Bộ Công an sau đó đã xác minh, làm rõ và chuyển hồ sơ sang Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội xử lý theo quy định pháp luật Tô Vỹ Hoàn (38 tuổi, trú phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) với số tiền 7,5 triệu đồng.

Trước đó, trên mạng xã hội cũng xuất hiện khá nhiều tin đồn liên quan đến lãnh đạo một số lãnh đạo doanh nghiệp cũng dính tin đồn fake news liên quan đến việc bị cấm xuất cảnh hoặc sắp “nhập kho”.

Lãnh đạo Sở Thông tin Truyền thông (TTTT) Hà Nội cũng khuyến cáo, thời gian gần đây, trên mạng Internet xuất hiện nhiều thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật, cho rằng có cá nhân đứng đầu doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị áp dụng một số biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội lưu ý người dân không đăng tải, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng trên môi trường mạng Internet.

Nhìn về quá xuất hiện tin giả tại Việt Nam gắn liền với việc phát triển của internet và mạng xã hội lớn. Theo thống kê, hiện Việt Nam có trên 70 triệu người dùng internet và cũng ngần đó người sử dụng mạng xã hội.

Theo các chuyên gia truyền thông, tin giả là vấn nạn ngày càng nổi cộm trong đời sống và lan truyền rộng khi xuất hiện các đợt dịch bệnh. Gần đây là dịch tả lợn châu Phi năm 2019 khi mới xuất hiện tại Việt Nam đã có rất nhiều tin đồn được người dùng mạng xã hội phát tán. Nhiều người đã bị cơ quan chức năng tiến hành xử phạt.

Cơ quan chức năng làm việc, xử phạt trường hợp tung tin giả về dịch COVID-19 lên mạng xã hội. Ảnh: TTXVN.
Cơ quan chức năng làm việc, xử phạt trường hợp tung tin giả về dịch COVID-19 lên mạng xã hội. Ảnh: TTXVN.

Đến năm 2020 khi dịch COVID-19 tác động đến Việt Nam, tin giả ngày càng bùng phát mạnh. Thông tin giả không chỉ về tình hình xuất hiện của dịch mà còn liên quan đến lực lượng tham gia phòng chống dịch, vaccine phòng dịch…

Không chỉ người dân bình thường mà đến cả những nghệ sĩ nổi tiếng, những người có trình độ cũng dễ dính tin giả. PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội) cho biết, xét về khía cạnh tâm lý, khi thông tin đến dồn dập, nhiều người không kịp kiểm chứng thông tin và chia sẻ làm lan truyền thông tin trên không gian mạng. Tình trạng này gọi là hiệu ứng tâm lý đám đông và gây tác động xấu đến xã hội.

Không thể “mãi thả gà ra đuổi”

Ở góc độ chuyên gia, chia sẻ tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho biết: Trước đây, thông tin giả đã tồn tại nhưng theo phương thức truyền thống thì thông tin đó chỉ trong nhóm nhỏ nhưng nay nhờ công nghệ, mạng xã hội mà tin giả lan truyền nhanh và mạnh hơn. Về xử lý tin giả, sự vào cuộc của cơ quan báo chí chính thống và cơ quan chức năng có vai trò quan trọng.

Đơn cử như đợt dịch COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị truyền thông của thành phố tổ chức chương trinh “Dân hỏi – Chính quyền trả lời”, trong đó có phát trên cả mạng xã hội lên tới trên 200.000 người xem và đem lại hiệu ứng tuyên truyền rất tốt. Cùng với đó là sự vào cuộc của các báo chí chính thống sẽ lấn át tin giả.

Để phòng chống tin giả, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả tại địa chỉ tingia.gov.vn vào đầu năm 2021. Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam đề nghị cộng đồng cần cẩn trọng khi tiếp nhận, chia sẻ thông tin từ các nguồn tin không chính thức, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác truy vết, phòng chống dịch bệnh. Trung tâm sẽ chuyển cơ quan chức năng để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Cảnh báo tin giả trên Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả tại địa chỉ tingia.gov.vn.
Cảnh báo tin giả trên Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả tại địa chỉ tingia.gov.vn.

Tin giả được xác định có hai dạng thức. Loại thứ nhất là là những thông tin hoàn toàn không chính xác được cố tình đăng tải, lan truyền vì một mục đích nào đó; loại thứ hai là những thông tin có thể có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết không kiểm chứng toàn bộ sự thật trước khi đăng tải, chia sẻ hoặc có thể họ phóng đại một phần của câu chuyện đó.

Từ khi thành lập, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam đã cảnh báo hàng trăm tin giả mạo, nhiều đối tượng phát tán tin giả giả mạo cả các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Ban Tuyên giáo, Tập đoàn điện lực, các ngân hàng… Quy trình công bố tin giả là tin giả sẽ được Trung tâm đóng dấu tin giả, đăng nội dung công khai trên trang. Tin sai sự thật, sai một phần thì đóng dấu tin sai sự thật. Tin xác thực là tin đúng sự thật, đã được thẩm định, được cơ quan chức năng kết luận thì đóng dấu xác thực.

Cổng thông tin tiếp nhận trực tuyến các phản ánh về tin giả của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đồng thời là Cổng thông tin chính thức công bố tin giả bằng hình thức dán nhãn tin giả, tin sai sự thật, công bố tin xác thực.

Về vấn đề tin giả, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân dự báo, với sự phát triển của công nghệ, tin giả sẽ ngày càng nhiều hơn, lớn hơn, tin giả đang do con người tạo ra và có thể hàng trăm ngàn lần so với hiện nay nhờ AI, deepfake. Người dùng vấp phải tin giả nhiều hơn, trong đó có cả các cơ quan báo chí. Tin giả chứng khoán, tài chính còn nguy hiểm hơn rất nhiều.

Ông Lê Quốc Minh cho rằng, các cơ quan chính thống cần chuẩn chỉnh hơn rất nhiều. "Khi đọc một thông tin trên mạng người dùng có thể tìm về các cơ quan chính thống để xác thực. Báo chí không thể chạy đua với mạng xã hội và cần thông tin minh bạch chính thống từ cơ quan chức năng sẽ bác bỏ kịp thời tin giả. Về phía người dùng, mỗi người nên bình tĩnh lại một chút, đừng vội tin ngay thông tin đọc trên mạng xã hội hoặc trên các trang thông tin không chính thống", ông Lê Quốc Minh chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm, bản thân người đọc tin cũng phải có trách nhiệm. Nếu ví tin giả như virus COVID-19 thì cần có phiển pháp phòng dịch như 5K về phòng chống.

Việc phòng chống tin giả, nhất là từ thế hệ trẻ thì khởi đầu từ giáo dục trong nhà trường để trang bị kỹ năng cho trẻ em. Đây là giải pháp cơ bản phòng tránh.

Với các cơ quan quản lý và nền tảng truyền thông, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng không thể mãi “thả gà ra đuổi” và chạy theo để xử lý hậu quả, sẽ phải có những biện pháp đón bắt trước. Ví dụ cơ quan quản lý sẽ làm việc nhiều hơn với các nền tảng mạng xã hội: TikTok, Facebook, YouTube… Các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới sẽ phải làm tốt hơn hiện nay trong việc ngăn chặn tin giả. Đã có những lúc những nền tảng này và thâm chị đến bây giờ vẫn đang hưởng lợi từ việc để cho tin giả phát tán.

“Ở một chừng mực nào đó các nhà mạng xã hội phải làm tốt hơn việc này phải chấm dứt việc hưởng lợi từ việc phát tán tin giả, nếu không làm thì phải có chế tài”, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết. Tiếp đó là các cơ quan báo chí phải mang thông tin chính thống vào không gian mạng. Sự vào cuộc của các cơ quan báo chí chính thống có vài trò quan trọng, không thể để mạng xã hội trở thành nơi độc diễn của những nguồn thông tin không chính thông.

Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết: Về chính sách pháp luật của Việt Nam khá đầy đủ. Chúng ta đã có Luật An ninh mạng, tạo ra một hành lang pháp lý ở kiến trúc thượng tầng, điều chỉnh hành vi ứng xử nói chung trên mạng xã hội ở khía cạnh Luật pháp.

Mới đây, Bộ TTTT cũng đã ban hành  bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội giống như một thể chế cơ sở hạ tầng từ dưới lên, điều chỉnh hành vi ứng xử của cộng đồng ở khía cạnh văn hóa, đạo đức, dùng áp lực nhóm để điều tiết hành vi.

Để bộ quy tắc này được phổ cập rộng rãi, các bộ, ngành cần có kế hoạch triển khai các nghiên cứu đánh giá xem mức độ tiếp nhận về nhận thức, mức độ chuyển hóa thái độ và hành vi cũng như kỹ năng số của cộng đồng sau khi ban hành Bộ Quy tắc ứng xử sẽ có những cải tiến ra sao. Có như vậy mới hạn chế được sự lan truyền tin giả, xây dựng ứng xử văn minh khi dùng mạng xã hội.

(Theo https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/phong-chong-tin-gia-co-nhung-giai-phap-dong-bo-nhu-phong-chong-dich-20220712151657562.htm)

 

 

 

 

 

.
.
.