Thứ Sáu, 19/08/2022, 09:58 (GMT+7)
.

Chung tay bảo vệ, chăm lo cho trẻ em

Trẻ em là tương lai của đất nước. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ có vai trò quan trọng nhằm bảo đảm trẻ được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể và các địa phương thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo, đảm bảo mọi trẻ em đều được chăm sóc và phát triển toàn diện.

Báo Ấp Bắc phối hợp các đơn vị thực hiện Chương trình học bổng “Chắp cánh ước mơ” năm học 2021 - 2022, trong đó có trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.  Ảnh: PHI CÔNG
Báo Ấp Bắc phối hợp các đơn vị thực hiện Chương trình học bổng “Chắp cánh ước mơ” năm học 2021 - 2022, trong đó có trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: PHI CÔNG

Theo số liệu thống kê, tỉnh hiện có 359.959 trẻ từ 0 đến 16 tuổi; trong đó số trẻ dưới 6 tuổi là 125.739 em; có trên 19.300 trẻ có hoàn cảnh khó khăn và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; trong đó có 1.395 trẻ khuyết tật, 189 em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 104 em bị bỏ rơi, 77 em không nơi nương tựa, 11 em bị nhiễm HIV/AIDS…

ĐẢM BẢO MỌI TRẺ EM ĐƯỢC CHĂM SÓC

Xác định công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ quan trọng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường và xã hội, trong những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên, nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến trẻ em, tham gia có hiệu quả vào hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Trẻ em trên địa bàn tỉnh được quan tâm chăm lo, được đến trường, học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh; luôn dành sự quan tâm đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để các em được sống, hòa nhập và phát triển.

Công tác bảo vệ, trợ giúp trẻ em được tăng cường; các lĩnh vực phòng, chống xâm hại trẻ em (XHTE), giảm thiểu tình trạng lợi dụng lao động trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em...

Trong đó, có vai trò của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể luôn theo sát, chăm lo cho trẻ em nói chung, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gần đây nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã phát triển giáo dục và đào tạo về cả quy mô số lượng và chất lượng. Hệ thống trường, lớp phát triển mạnh, chất lượng đào tạo của nhà trường đã có sự tiến bộ rõ rệt. Các chính sách phát triển giáo dục mầm non, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… được thực hiện hiệu quả, góp phần chăm lo cho thiếu nhi, trẻ em tỉnh nhà.

Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non của tỉnh đạt 79,4%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 100%; trẻ em hoàn thành cấp tiểu học và trung học cơ sở đạt trên 97%. Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nghèo, trẻ em vùng khó khăn, trẻ khuyết tật được đặc biệt quan tâm.

Năm 2020, 2021, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, hệ thống giáo dục và đào tạo tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực chuyển đổi sang hình thức dạy và học trực tuyến. Ngành Y tế đã phối hợp nhiều chương trình, kế hoạch, phương án bảo vệ trẻ em, chủ động thực hiện việc tiêm vắc xin để bảo đảm an toàn cho trẻ từ 5 tuổi đến 18 tuổi.

Ðặc biệt, trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 với xã hội, trong đó có đối tượng trẻ em, tỉnh đã lãnh đạo và thực hiện các hoạt động chung tay để đồng hành, chăm lo cho trẻ mồ côi, trẻ bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

ĐẨY MẠNH PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH VÀ XHTE

Bên cạnh đó, tỉnh xác định việc đảm bảo an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại các địa phương trong tỉnh luôn được các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, bậc làm cha mẹ quan tâm bảo vệ và chăm sóc bằng những hoạt động thiết thực và có chiều hướng giảm dần.

Để thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, đồng thời triển khai thực hiện Quyết định 23 ngày 7-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh Tiền Giang đã bàn hành Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2030.

Mục tiêu của Chương trình hành động nhằm đáp ứng sự phát triển toàn diện về giáo dục; chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; vui chơi, giải trí; giảm thiểu sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển giữa các nhóm trẻ thông qua việc mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ phúc lợi xã hội dành cho trẻ em.

Đồng thời, bảo đảm tất cả trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc, can thiệp, hỗ trợ và giáo dục kịp thời; kiện toàn và phát triển mạnh hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp và phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

Để có kết quả này, ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, các huyện, thị, thành thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành, thị kịp thời triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh. Hướng dẫn cơ sở thường xuyên kiểm tra các địa điểm có nguy cơ cao hay xảy ra tai nạn thương tích và đuối nước; báo cáo kịp thời các trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước; đồng thời, hỗ trợ kịp thời các trường hợp bị tai nạn thương tích, đuối nước xảy ra.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn” và “Cộng đồng an toàn” trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra các điểm trông giữ trẻ, các bể bơi, bến đò ngang, bến phà, các công trình xây dựng, khu du lịch... rà soát, phát hiện các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ em, có biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường công tác xã hội hóa, có các chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng các điểm vui chơi an toàn, các hồ bơi; tăng cường hoạt động phổ cập bơi cho trẻ em nhằm hạn chế tai nạn thương tích trẻ em.

Trước thực trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, các ban, ngành các cấp tỉnh Tiền Giang, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, XHTE bằng nhiều mô hình hiệu quả.

Trong đó, có thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 938) với chủ đề “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em”, bao gồm cả phòng, chống bạo lực, XHTE, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.

Cùng với đó, các cấp Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh thành lập nhiều mô hình phù hợp tại địa phương, ra mắt nhiều câu lạc bộ/tổ/nhóm tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, XHTE, như: Tổ/nhóm “Phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em”; tổ/nhóm “Hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho phụ nữ”; mô hình các tổ: “Phụ nữ sẵn sàng lên tiếng phòng, chống và bảo vệ trẻ em”, “Không ngược đãi phụ nữ và trẻ em”, “Chăm sóc sức khỏe y tế cho phụ nữ yếu thế”, “Ấp không bạo lực với phụ nữ và trẻ em”…

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn duy trì sinh hoạt và củng cố hơn 400 địa chỉ tin cậy cộng đồng với trên 1.600 thành viên; hơn 200 Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” với gần 5.700 thành viên tham gia, thường xuyên tuyên truyền vận động, hỗ trợ giúp đỡ phụ nữ, trẻ em yếu thế…

Từ những mô hình trên, trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại được can thiệp, trợ giúp thông qua các chương trình, chính sách trợ giúp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực, tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi XHTE đến việc thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại có những chuyển biến tích cực.

HỮU NGHỊ

 

.
.
Liên kết hữu ích
.