Thứ Sáu, 02/09/2022, 10:17 (GMT+7)
.

Huyện đoàn Cái Bè: Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp

Trong nhiệm kỳ (2017 - 2022), các cấp bộ Đoàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã tập trung tổ chức sâu rộng các hoạt động hỗ trợ, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thi đua học tập, nghiên cứu, phát triển. Đồng thời, tạo điều kiện tiếp cận các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, từ đó giúp ĐVTN phát huy sức trẻ, ra sức phấn đấu làm giàu cho bản thân và xã hội.

TẠO ĐIỀU KIỆN CHO THANH NIÊN

Xác định thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” là một trong những nhiệm vụ then chốt, nhằm phát huy vai trò của tổ chức Đoàn và toàn xã hội chăm lo, tạo điều kiện cho ĐVTN học tập, lao động, sáng tạo, định hướng nghề nghiệp vươn lên làm giàu chính đáng, hằng năm Huyện đoàn Cái Bè chủ động phối hợp Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 14.500 ĐVTN tại các xã, thị trấn và có trên 1.230 ĐVTN có việc làm. Ngoài ra, phối hợp với các công ty trong và ngoài tỉnh tổ chức tư vấn, giới thiệu về xuất khẩu lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản cho hơn 160 ĐVTN.

Huyện đoàn Cái Bè trao Quỹ khởi nghiệp cho thanh niên.
Huyện đoàn Cái Bè trao Quỹ khởi nghiệp cho thanh niên.

Hằng năm, Huyện đoàn Cái Bè còn phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn khởi nghiệp cho ĐVTN trên địa bàn huyện, như: Tổ chức 46 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 2.623 ĐVTN và người dân tham gia; 225 cuộc chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên lúa, rau cho 8.020 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên để ứng dụng vào sản xuất.

Đồng thời, triển khai vận động ĐVTN trong huyện đóng góp nguồn vốn “Khởi nghiệp cho thanh niên” và đến nay đã hỗ trợ cho 70 ĐVTN có các mô hình, dự án phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương, với tổng số vốn đã hỗ trợ trên 975 triệu đồng.

Song song đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Vườn cây sinh kế”, hỗ trợ cây giống cho ĐVTN khó khăn, đến nay mô hình đã nhân rộng tại 14/25 Đoàn cơ sở xã, thị trấn. Phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân các nguồn vốn cho 925 đoàn viên, sinh viên, thanh niên trên địa bàn huyện vay tổ chức sản xuất, kinh doanh và học tập, với tổng dư nợ 23,2 tỷ đồng.

MẠNH DẠN KHỞI NGHIỆP

Từ sự đồng hành của Huyện đoàn Cái Bè, không ít ĐVTN của huyện đã mạnh dạn khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó, các mô hình ngày càng phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho ĐVTN tại địa phương.

Anh Trần Trung Hậu (ấp Mỹ phú, xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè), ấp ủ Dự án Nuôi gà thả vườn, nhưng không có vốn đầu tư. Biết được nguyện vọng của anh Hậu, Huyện đoàn Cái Bè hỗ trợ cho anh vay 40 triệu đồng vào năm 2017.

Anh Hậu cho biết: “Lúc đầu, tôi chỉ nuôi thử nghiệm 300 con gà thả vườn, sau 4 tháng xuất bán, thu lợi được 5 triệu đồng. Khi có đầu ra ổn định, tôi đầu tư mở rộng, đến nay tổng đàn gà lên đến 6.000 con, vừa xuất bán và mang lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Khởi nghiệp ban đầu gặp nhiều khó khăn, vì ít kinh nghiệm chăn nuôi, đầu ra chưa có. Việc hỗ trợ vốn của Huyện đoàn Cái Bè rất có ý nghĩa, giúp ĐVTN phát triển kinh tế gia đình, xóa khó giảm nghèo”.

Hay như anh Nguyễn Văn Vàng, Bí thư Chi đoàn ấp Lương Trí, xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè, sau 2 năm đi làm ở TP. Hồ Chí Minh, thu nhập không đủ sống, anh quyết định về lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Qua tìm hiểu, anh Vàng thấy mô hình nuôi dế mèn Thái đang phát triển nên quyết định đầu tư nuôi vài chuồng ban đầu. Khi nhu cầu thị trường tăng cao, anh mạnh dạn tăng diện tích nuôi lên 10 chuồng. Sau đó, anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cái Bè hỗ trợ vay 30 triệu đồng vào năm 2018. Có thêm nguồn vốn, anh mở rộng trại nuôi lên 20 chuồng.

Tuy nhiên, trong quá trình nuôi dế mèn Thái, anh Vàng cũng gặp khó khăn và tiếp tục được Huyện đoàn Cái Bè hỗ trợ 20 triệu đồng để phục hồi lại giống và mua sắm thêm một số thiết bị máy móc. Sau thời gian hồi phục, mô hình nuôi dế mèn Thái của anh Vàng ngày càng có hiệu quả nên anh quyết định vay thêm nguồn vốn khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Tiền Giang để mở rộng thêm số lượng chuồng nuôi và phát triển nghiên cứu sản xuất sản phẩm dế sấy, mang lại cho anh nguồn thu nhập ổn định hằng năm.

Từ hiệu quả kinh tế của các mô hình cho thấy hoài bão, ý chí quyết tâm, sáng tạo của các ĐVTN huyện Cái Bè với tinh thần vượt khó lập thân, lập nghiệp. Từ đó, góp phần tuyên truyền, cổ vũ phong trào thanh niên ra sức thi đua lao động, sản xuất, làm giàu chính đáng.

LÝ OANH

 

.
.
.