Tiền Giang có mưa trên diện rộng do ảnh hưởng của bão Noru
(ABO) Hồi 13 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc, 111,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 270 km về phía Đông.
TIỀN GIANG CÓ MƯA TRÊN DIỆN RỘNG
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, hồi 13 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc, 111,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 270 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 - 15 (150 - 183 km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25 km. Đến 1 giờ ngày 28-9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc, 108,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Thừa Thiên - Huế - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 - 15 (167 - 183 km/giờ), giật cấp 17.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25 km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần. Đến 13 giờ ngày 28-9, vị trí tâm bão ở khoảng 16 độ Vĩ Bắc, 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74 km/giờ), giật cấp 10.
Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia |
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 12,5 đến 19 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 115 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 4.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 36 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 12,5 đến 19 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 115 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ: Vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8 - 10, sau tăng lên cấp 11 - 12, vùng gần tâm bão cấp 14 - 15, giật cấp 17; sóng biển cao 9 - 11 m, biển động dữ dội.
Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, sóng cao 3 - 4 m, biển động mạnh.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, thời tiết khu vực tỉnh Tiền Giang, nhiều mây, trưa chiều và tối có mưa trên diện rộng, có nơi mưa vừa, mưa to và dông; cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh trong những cơn mưa dông.
TẬP TRUNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀU THUYỀN
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Tiền Giang, sau khi nhận được các bản tin bão Noru, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy đã chuyển các bản tin nêu trên đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản và các huyện, thị xã và thành phố để thông báo kịp thời cho các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, các phương tiện vận tải trên biển biết vị trí, diễn biến hướng di chuyển để thoát ra hoặc tránh khỏi vùng nguy hiểm.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh kiểm tra đê biển đoạn gần cửa Soài Rạp. |
Hiện nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các ngành, các cấp đang triển khai công tác ứng phó bão Noru theo phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, tổng số tàu thuyền đăng ký 1.432 tàu với 10.003 người.
Trong đó, tàu hoạt động vùng khơi (tàu từ 15 m trở lên) là 1.066 tàu với 8.754 người, vùng hoạt động từ 6,3 đến 14 độ Vĩ Bắc, 106 đến 117 độ Kinh Đông, vùng biển Trường Sa, Nam Biển Đông, Bình Thuận - Cà Mau, Cà Mau - Kiên Giang.
Tàu hoạt động ven bờ và vùng lộng (tàu từ 15 m trở xuống) là 366 tàu với 1.249 người, vùng hoạt động ven biển Tiền Giang, Vũng Tàu (10 đến 10,20 độ Vĩ Bắc, 106,5 đến 107 độ Kinh Đông); khu vực Ba Động (từ 9 đến 10 độ Vĩ Bắc, 100 đến 107 độ Kinh Đông), Nam Côn Sơn (tử 7,5 đến 8,3 độ Vĩ Bắc, 106 đến 107 độ Kinh Đông).
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, 734 tàu với 5.548 người đã vào bờ hoặc tìm nơi tránh, trú an toàn. Tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển: 698 tàu với 4.455 người (khu vực hoạt động hiện tại: Khu vực Bình Thuận - Cà Mau, Cà Mau - Kiên Giang).
Trong đó, 2 tàu với 17 người vùng hoạt động Khu vực giữa Biển Đông (tàu TG - 90982-TS, tàu TG -90983-TS); hiện tại, hai tàu này đã vào bờ tránh bão tại tỉnh Bình Định.
C. THẮNG