Phụ nữ Tiền Giang ra sức thi đua, không ngừng nâng cao vị thế
92 năm qua, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, cùng với phụ nữ cả nước, trong từng giai đoạn cách mạng, phụ nữ tỉnh Tiền Giang đã đóng góp xứng đáng, góp phần viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Tự hào về truyền thống vẻ vang của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, truyền thống “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”, các thế hệ phụ nữ tỉnh Tiền Giang ra sức thi đua học tập, lao động, xây dựng gia đình hạnh phúc, đóng góp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng tổ chức Hội LHPN ngày càng vững mạnh.
LAN TỎA PHONG TRÀO THI ĐUA
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đã tích cực thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và các khâu đột phá đạt nhiều kết quả quan trọng.
Hội LHPN tỉnh Tiền Giang thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hậu, xã Long Hưng, huyện Châu Thành. |
Hội LHPN tỉnh Tiền Giang còn chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN cấp huyện và cơ sở tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp đề ra, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương; biểu dương gương người tốt, việc tốt, điển hình nhân tố mới.
Trong năm 2021, cùng với các ngành, các cấp trong tỉnh thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các cấp Hội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, trao tặng trên 2.500 phần quà và hỗ trợ trên 140 tấn nhu yếu phẩm, nông sản; 500 thùng mì gói; hơn 9.000 suất cơm cho trẻ em, phụ nữ khó khăn, trẻ mồ côi, khuyết tật, phụ nữ già yếu, neo đơn, lực lượng phòng, chống dịch, cùng nhiều hoạt động thiết thực khác…
Phát huy những kết quả đạt được về công tác an sinh - xã hội, trong 9 tháng năm 2022, các cấp Hội LHPN tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động chăm lo tết cho người nghèo; thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, cán bộ Hội và hội viên, phụ nữ khó khăn được các ngành, các cấp đánh giá cao.
Điển hình Hội LHPN tỉnh và Hội cơ sở đã tặng gần 19.800 phần quà, nhu yếu phẩm cho hội viên, phụ nữ khó khăn, đơn thân, yếu thế, trẻ khuyết tật; xây dựng 11 mái ấm tình thương với tổng trị giá trên 4,7 tỷ đồng. Đồng thời, các cấp Hội LHPN tỉnh rà soát, tìm hiểu nguyên nhân và có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ phát triển kinh tế gia đình, sản xuất, kinh doanh cho trên 9.900 hộ phụ nữ nghèo, gần 4.100 hộ phụ nữ chủ hộ nghèo và khoảng 10.600 hộ phụ nữ cận nghèo.
Không chỉ phát huy vai trò, trách nhiệm, khẳng định bản lĩnh của phụ nữ nói chung và phụ nữ Tiền Giang nói riêng trong việc đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới trên các lĩnh vực an sinh xã hội, phát triển kinh tế, khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống, mà thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh còn xung phong, tích cực tham gia thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh.
Điển hình trong 9 tháng năm 2022, các cấp Hội thực hiện nhiều công trình, phần việc thiết thực như trải đá các tuyến đường, xây cầu giao thông nông thôn, xây dựng mái ấm tình thương, ánh sáng quang khu dân cư; kéo đường ống nước sinh hoạt, trao quà cho hội viên, phụ nữ… với tổng giá trị trên 14,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, các cấp Hội còn đẩy mạnh các hoạt động như “Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp”, “Phiên chợ quê”, Hội thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp”, tập huấn kiến thức khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh… Từ đó, giúp chị em phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế, cũng như thực hiện có hiệu quả Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”.
KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ, VỊ THẾ
Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trong thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước thông qua các chiến lược, chương trình cụ thể như: Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, cải cách chính sách về bình đẳng giới… Đây được xem là những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, tạo môi trường để chị em phụ nữ tự khẳng định vai trò, vị thế của mình.
Tại Tiền Giang trong thời gian qua, Thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh luôn đẩy mạnh các chương trình, hoạt động về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới bằng nhiều hình thức đa dạng, bám sát với tình hình thực tế ở mỗi địa phương, đơn vị. Từ đó, nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới, góp phần xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Hội LHPN tỉnh Tiền Giang hiện có 332.305 hội viên, với trình độ, năng lực không ngừng được nâng cao, hội viên, phụ nữ Tiền Giang ngày càng khẳng định vị trí vai trò, tầm quan trọng của mình trong gia đình và xã hội. Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Hội; xây dựng tổ chức Hội phát triển toàn diện, thật sự là mái nhà chung của các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp “hồng thắm, chuyên sâu” giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công tác Hội đặt ra trong thời đại 4.0. |
Điển hình trong lĩnh vực chính trị, Tiền Giang đã thực hiện tốt việc bố trí sử dụng cán bộ, trong đó đặc biệt quan tâm đối với đội ngũ cán bộ nữ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường nhằm xây dựng đội ngũ nữ cán bộ các cấp đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý.
Đặc biệt, tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp của tỉnh tăng cao hơn các nhiệm kỳ trước. Kết quả thể hiện rõ qua việc tỉnh có nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt tỷ lệ khá cao, trong đó có 3 nữ/8 đại biểu Quốc hội khóa XV, đạt tỷ lệ 37,5%; 17 nữ/61 đại biểu HĐND tỉnh; 114 nữ/365 đại biểu HĐND huyện và 1.326 nữ/4.469 đại biểu HĐND cấp xã.
Đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới luôn được tỉnh tập trung thực hiện và đạt nhiều kết quả, nhất là hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cũng như giải quyết các vụ bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới thông qua các mô hình, câu lạc bộ… Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 697 Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, 602 đội/nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 515 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, gần 200 cơ sở tư vấn.
Bình đẳng giới trên lĩnh vực lao động - việc làm, công nhân, lao động và trong các hoạt động Công đoàn tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, không có sự phân biệt giữa nam và nữ khi tuyển dụng lao động tại các khu, cụm công nghiệp.
Các chính sách, chế độ đối với lao động nữ ngày càng được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm thực hiện, tạo điều kiện cho công nhân, lao động nữ phát huy năng lực, sở trường, tăng năng suất lao động, thu nhập, cải thiện đời sống.
Hiện toàn tỉnh Tiền Giang có 146.600 công nhân, viên chức, lao động đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; trong đó có khoảng 80.000 công nhân, viên chức, lao động nữ, chiếm tỷ lệ 67% tổng số lao động tại Tiền Giang.
SONG PHƯƠNG