Để trẻ em "không bị bỏ lại phía sau"
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 20 ngày 5-11-2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã kịp thời thể chế hóa và tổ chức thực hiện tích cực, hiệu quả. Điển hình là Luật Trẻ em được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5-4-2016…
Gần đây, trước tình hình vi phạm quyền trẻ em ở một số nơi gây bức xúc trong dư luận xã hội, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1863 ngày 23-12-2019 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giai đoạn 2020 - 2025 và Chỉ thị 23 ngày 26-5-2020 về “Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em”.
Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ngày càng được quan tâm và đạt những kết quả quan trọng. Ảnh: XUÂN UYÊN |
GIẢI QUYẾT TỐT MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TRẺ EM
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đến nay công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở nước ta đã đạt những kết quả quan trọng, bước đầu giải quyết tốt một số vấn đề về trẻ em hiện nay, như phòng, chống xâm hại trẻ em; giảm thiểu lao động trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em...
Riêng tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương quan tâm rà soát, bố trí đủ nguồn lực từ ngân sách và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác trẻ em và bảo vệ trẻ em, trong đó đặc biệt ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cơ nhỡ, mồ côi…
Kết quả sau 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 20 của Bộ Chính trị, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Tiền Giang đã đạt được một số kết quả nổi bật. Số liệu từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh đã giảm từ 15,58% vào năm 2012 xuống còn 7,64% vào năm 2021; có 90,8% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 93% xã, phường, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi dành cho trẻ em; 99,68% trẻ dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh, 83,1% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp; 72,7% trẻ em khuyết tật được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng.
Trong 10 năm qua, hàng ngàn trẻ em của tỉnh Tiền Giang được khám bệnh, phát thuốc và phẫu thuật miễn phí; đặc biệt 459 trẻ bị bệnh tim bẩm sinh đã được phẫu thuật với kinh phí hỗ trợ gần 23 tỷ đồng…
Học sinh thư giãn, đọc sách tại góc Thư viện xanh của Trường Tiểu học Bình Phú, huyện Cai Lậy. ảnh P.M |
Trẻ em trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được quan tâm chăm lo, được đến trường, học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Tỉnh luôn dành sự quan tâm đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để các em được sống, hòa nhập và phát triển. Công tác bảo vệ, trợ giúp trẻ em được tăng cường; các lĩnh vực phòng, chống xâm hại trẻ em, giảm thiểu tình trạng lợi dụng lao động trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em... Trong đó, có vai trò của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể luôn theo sát, chăm lo cho trẻ em nói chung, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gần đây nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
THÁCH THỨC VÀ YÊU CẦU ĐẶT RA
Tuy nhiên, thách thức trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em hiện nay là còn nhiều trẻ em khó khăn. Cách mạng khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế có những tác động cả tích cực và tiêu cực đến việc thực hiện các quyền trẻ em và bổn phận của trẻ em; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường tác động trực tiếp và lâu dài đến sự phát triển toàn diện và cuộc sống an toàn của trẻ em. Quá trình đô thị hóa và di cư làm gia tăng nguy cơ trẻ em “bị bỏ lại đằng sau” do không được tiếp cận đầy đủ chính sách, dịch vụ hỗ trợ, thiếu sự chăm sóc trực tiếp của cha mẹ; các giá trị đạo đức truyền thống thay đổi, lối sống thực dụng, thiếu gương mẫu của người lớn...
Cụ thể, hiện tại toàn tỉnh Tiền Giang có trên 19.300 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; trong đó có 1.395 trẻ khuyết tật, 189 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, 104 trẻ bị bỏ rơi, 77 trẻ không nơi nương tựa, 11 trẻ bị nhiễm HIV/AIDS…
Mặt khác, trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại trên môi trường mạng do được tiếp cận, sử dụng phổ biến các thiết bị công nghệ, các trường học chuyển sang dạy học trực tuyến. Một bộ phận trẻ em thiếu về dinh dưỡng, thiếu sự chăm sóc chu đáo của người lớn do hoàn cảnh mưu sinh của cha mẹ hoặc người đỡ đầu. Một số vụ việc vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục, trẻ em bị xâm hại thân thể và xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn hiệu quả...
Quyền trẻ em, đặc biệt quyền được sống an toàn, lành mạnh, được bảo vệ khỏi xâm hại đang trở thành một trong những vấn đề toàn cầu, được Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm. Ngày 7-1-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 23 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã bàn hành Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu đáp ứng sự phát triển toàn diện về giáo dục; chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; vui chơi, giải trí. Giảm thiểu sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển giữa các nhóm trẻ thông qua việc mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ phúc lợi xã hội dành cho trẻ em. Bảo đảm tất cả trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc, can thiệp, hỗ trợ và giáo dục kịp thời. Kiện toàn và phát triển mạnh hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp và phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.
HỮU NGHỊ