.

Khai thác hiệu quả kho số đăng ký xe ô-tô, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước

Cập nhật: 13:59, 21/10/2022 (GMT+7)

Việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô-tô thông qua đấu giá nhằm khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký xe ô-tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, và đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người mua xe muốn được cấp biển số xe theo mong muốn cá nhân.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Sáng 21/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô-tô thông qua đấu giá.

Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc cấp biển số xe ô-tô

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu rõ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định: “kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước” là tài sản công, do đó, biển số xe ô-tô được coi là tài sản công.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về đấu giá biển số xe ô-tô; nguyên tắc xác định giá khởi điểm; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số, người nhận chuyển nhượng biển số trúng đấu giá…

Do vậy, việc xây dựng Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô-tô thông qua đấu giá là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng biển số theo mong muốn cá nhân; bảo đảm công tác quản lý nhà nước trong đăng ký, quản lý xe; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Dự thảo Nghị quyết gồm 7 điều quy định về: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá; điều khoản điểm thi hành.

Trong Báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết với các lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, cho rằng việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô-tô thông qua đấu giá giúp bảo đảm công khai, minh bạch, tránh hành vi trục lợi trong việc cấp biển số xe.

Giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô-tô nền trắng

Liên quan đến loại biển số xe ô-tô đưa ra đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết đa số ý kiến nhất trí với quy định: chỉ đấu giá đối với biển số ô-tô nền trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký, được đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 30 ngày, trước ngày tổ chức đấu giá.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị mở rộng thí điểm đấu giá cả biển số xe ô-tô nền vàng chữ đen (xe hoạt động kinh doanh vận tải) và mở rộng đấu giá cả biển số xe mô-tô, xe gắn máy để góp phần tăng ngân sách nhà nước, vì hiện nay số xe taxi công nghệ, xe mô-tô, xe gắn máy rất lớn.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô-tô nền trắng trong kho biển số chưa được đăng ký, mà không thí điểm đấu giá đối với biển số xe ô-tô nền vàng chữ đen, biển số xe mô-tô, xe gắn máy.

Quang cảnh phiên họp sáng 21/10. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Quang cảnh phiên họp sáng 21/10. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Theo lý giải của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đối với loại hình xe hoạt động kinh doanh vận tải thì nhu cầu của người dân muốn sở hữu “biển số đẹp”, biển số theo sở thích là rất ít; đối với mô-tô, xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay, nếu mở rộng để thí điểm thì số lượng mô-tô, xe gắn máy trong toàn quốc là quá lớn, dẫn đến thiếu tập trung, ảnh hưởng đến việc thực hiện thí điểm.

Đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng

Dự thảo Nghị quyết quy định mức giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá đối với Vùng 1 (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) là 40 triệu đồng, đối với Vùng 2 (các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng.

Một số ý kiến cho rằng mức giá khởi điểm này cơ bản phù hợp với thực tiễn thu nhập bình quân Vùng 1, Vùng 2; mức chênh lệch giá khởi điểm giữa Vùng 1 và Vùng 2 cũng tương đương với mức chênh lệch phí đăng ký biển số xe ô-tô giữa Khu vực 1 và Khu vực 2 (20 triệu đồng - 1 triệu đồng).

Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, việc xác định giá khởi điểm của biển số xe ô-tô là rất khó, vì biển số xe là tài sản công, chưa có cơ sở để xác định giá khởi điểm đối với từng loại biển số khác nhau. Việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa Vùng 1 và Vùng 2 không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt giữa Vùng 1 và Vùng 2.

Trên cơ sở đề xuất giá khởi điểm của Chính phủ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.

Hạn chế một số quyền tài sản của người trúng đấu giá để tránh đầu cơ biển số

Theo dự thảo Nghị quyết, người trúng đấu giá được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình (người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế không có quyền này); được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe (không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số mà không gắn theo xe).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Ông Lê Tấn Tới cho biết nhiều ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Nghị quyết về các quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết quy định người trúng đấu giá bị hạn chế quyền sở hữu đối với biển số ô-tô trúng đấu giá, không đầy đủ các quyền tài sản theo quy định tại Điều 158 Bộ Luật dân sự 2015 là chưa phù hợp.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định người trúng đấu giá biển số xe được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế chỉ biển số mà không gắn theo xe; đề nghị quy định người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cũng có đầy đủ các quyền như người trúng đấu giá biển số xe .

Liên quan nội dung này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Nghị quyết, vì cho rằng đây là nội dung thí điểm, biển số xe ô-tô trúng đấu giá vừa là tài sản cá nhân vừa là công cụ quản lý nhà nước, nên cần thiết phải hạn chế một số quyền tài sản của người trúng đấu giá để bảo đảm quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

Đồng thời, việc này cũng nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ biển số và tránh gây phức tạp trong việc xử lý hệ quả thí điểm đối với các biển số ô-tô được cấp thông qua đấu giá nếu chủ trương này không được tiếp tục thực hiện sau khi hết thời hạn thí điểm.

Về thời gian để gắn biển số với xe, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với thời hạn 12 tháng để thu hút được nhiều người tham gia đấu giá hơn và phù hợp với thực tiễn đặt mua xe hiện nay (có nhiều loại xe sau khi đặt mua phải chờ đợi lâu).

(Theo nhandan.vn)


 

 

 

 

 

 

.
.
.