Tiền Giang: Nhìn lại 10 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012
Thực hiện các quy định của Luật Công đoàn (CĐ) 2012, trong 10 năm qua, các cấp CĐ từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia vào tổ chức CĐ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong việc thực hiện Luật CĐ.
TÍCH CỰC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
Từ khi Quốc hội ban hành Luật CĐ năm 2012 đến nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tổ chức CĐ, tăng cường quy chế phối hợp với UBND tỉnh và các ngành. Tập trung các phong trào thi đua do Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp chính quyền phát động thu hút đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tham gia.
Đại diện LĐLĐ tỉnh tập huấn kỹ năng thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể cho cán bộ CĐCS. |
Đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền những nội dung cơ bản, những điểm mới đã được sửa đổi trong Luật CĐ 2012. Trong 10 năm qua, LĐLĐ tỉnh đã ban hành 47 văn bản chỉ đạo các cấp CĐ tích cực triển khai thực hiện Luật CĐ. Các cấp CĐ đã ban hành 342 văn bản chỉ đạo các Công đoàn cơ sở (CĐCS) tổ chức triển khai Luật CĐ trong đoàn viên, CNVCLĐ.
Từ đó, CĐCS chọn hình thức phù hợp triển khai đến đoàn viên, CNVCLĐ như tuyên truyền qua loa nội bộ, dán bảng thông tin, các cuộc họp tổ CĐ, Ban Chấp hành CĐCS, lồng ghép trong họp tổ, xưởng sản xuất... Ngoài ra, CĐ cấp trên cơ sở tổ chức các hội thi: Cán bộ CĐCS giỏi, Tìm hiểu kiến thức pháp luật trong đó có nội dung Luật CĐ.
Thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ CĐ” của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp CĐ đã tổ chức 170 lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ CĐ, trong đó có nội dung về Luật CĐ cho hơn 18.500 lượt cán bộ CĐ tham dự.
LĐLĐ tỉnh cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn nâng cao các kỹ năng về đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng thỏa ước lao động tập thể, xây dựng mối quan hệ hài hòa tại doanh nghiệp (DN)... Qua đó, góp phần củng cố, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ CĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới.
Thời gian qua, các cấp CĐ trong tỉnh tham gia vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Lao động năm 2012, Luật Dân sự (sửa đổi), Luật Hình sự (sửa đổi), Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật An toàn, vệ sinh lao động... Một số chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ. |
Thực hiện các quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh đã phân cấp tài chính cho 100% CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, đi đôi với việc tự chủ của CĐ cấp dưới, các đơn vị trực thuộc. LĐLĐ tỉnh luôn tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai tài chính CĐ kịp thời, chặt chẽ. Những năm qua, việc kiểm tra công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản được các cấp CĐ trong tỉnh thực hiện khá tốt; kiểm soát chặt chẽ, định kỳ quyết toán thu - chi 6 tháng/lần.
Việc thực hiện kiểm tra công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản CĐ cùng cấp được các cấp CĐ trong tỉnh thực hiện đúng theo quy định. Hằng tháng, các đơn vị có tiến hành đối chiếu quỹ tiền mặt đầy đủ thể hiện qua các biên bản kiểm quỹ kèm theo, kiểm tra định kỳ và đột xuất quỹ tiền mặt tại các cấp CĐ trong tỉnh thực hiện tốt.
LĐLĐ tỉnh còn chỉ đạo các cấp CĐ xây dựng kế hoạch, chương trình phù hợp điều kiện của từng địa phương, đơn vị; tuyên truyền, vận động CNVCLĐ tự nguyện gia nhập tổ chức CĐ. Từ năm 2013 đến nay, các cấp CĐ tỉnh đã phát triển mới 30.489 công đoàn viên, thành lập mới 198 CĐCS; nâng toàn tỉnh có 1.377 CĐCS với 123.548 công đoàn viên/134.190 CNVCLĐ.
CÒN VƯỚNG MẮC, KHÓ KHĂN
Đánh giá việc thực hiện các quy định của Luật CĐ 2012, LĐLĐ tỉnh đã chỉ ra những khó khăn đáng lưu ý. Người sử dụng lao động tại một số DN chưa thực hiện nghiêm các quy định của Luật CĐ. Nhận thức của một bộ phận công nhân, lao động ở khu vực ngoài nhà nước còn hạn chế, chưa tự nguyện gia nhập tổ chức CĐ, chưa tự bảo vệ bản thân.
Biên chế cán bộ CĐ chuyên trách còn hạn chế, nhất là đối với CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở. Nhiều DN đủ điều kiện để bố trí cán bộ CĐ chuyên trách nhưng chưa bố trí được. Cán bộ CĐCS hầu hết là kiêm nhiệm do áp lực công việc chuyên môn nên ít có thời gian hoạt động CĐ (Chủ tịch CĐCS được sử dụng 24 giờ/tháng theo quy định Luật CĐ 2012) nên hoạt động còn hạn chế. Đối với cán bộ CĐCS tại các DN - nhất là DN ngoài nhà nước, tiền lương do người sử dụng lao động chi trả nên trong công tác thương lượng, đề xuất các chế độ, chính sách cho người lao động còn khó khăn, hạn chế do e ngại.
Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh tổ chức thành lập CĐCS Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp SHC. |
Đội ngũ cán bộ CĐ, nhất là cán bộ CĐ cơ sở kiêm nhiệm, không có nghiệp vụ về công tác tài chính, chủ yếu tập trung nhiệm vụ chuyên môn nên công tác quản lý tài chính tại CĐCS còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng biên chế của các cấp CĐ ít, nhất là tại các CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở; nhiệm vụ công tác CĐ ngày càng nhiều, tình hình quan hệ lao động ngày càng phức tạp nên cũng gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản CĐ tại các đơn vị.
Vẫn còn các DN chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật về nộp kinh phí CĐ đối với nơi chưa có tổ chức CĐCS. Nhận thức của nhiều DN về trích nộp kinh phí CĐ còn rất hạn chế, cố tình không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Mặt khác, việc tiếp cận các DN chưa thành lập CĐCS rất khó khăn.
Phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Luật CĐ 2012, LĐLĐ tỉnh đã đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ 5 đề xuất sửa đổi, bổ sung với Luật CĐ 2012. Sửa đổi Luật CĐ, quy định cụ thể hành vi bị nghiêm cấm trong Luật CĐ và thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.
Bổ sung Luật CĐ về quyền đại diện người lao động khởi kiện DN khi quyền lợi của người lao động bị xâm phạm, khi DN để xảy ra ngộ độc thực phẩm cho tập thể người lao động hoặc khi DN ngừng hoạt động, giải thể, phá sản còn nợ lương, BHXH của người lao động. Thành lập Quỹ Bảo vệ cán bộ CĐ nhằm giải quyết lương, trợ cấp cho cán bộ CĐ khi bị mất việc làm hoặc khi DN giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn... mà cán bộ CĐ vẫn còn thực hiện công việc chăm lo, bảo vệ người lao động.
Bổ sung Luật CĐ cần quy định cụ thể người sử dụng lao động có chính sách hỗ trợ, chi trả tiền lương, phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách của CĐCS DN. Đổi mới quy trình lựa chọn, bầu cử cán bộ CĐCS theo hướng bảo đảm thực sự quyền lựa chọn của người lao động và không có sự can thiệp của người sử dụng lao động trong quá trình chuẩn bị nhân sự của Ban Chấp hành CĐCS.
CÁT TƯỜNG