.

Phải có quy hoạch, cơ chế đồng bộ trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Cập nhật: 15:37, 03/11/2022 (GMT+7)

Nêu quan điểm về việc “phân lô, bán nền”, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, nhất thiết phải có quy hoạch 1/500 chi tiết thì mới cho triển khai các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Cần tính toán đầy đủ giá trị của đất đai

Sáng 3/11, phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự thảo Luật đã xác định rõ quy hoạch sử dụng đất, gồm 3 cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện.

Trong đó, quy hoạch ổn định tại những khu dân cư đã phát triển gần như đã triển khai xong. Theo Bộ trưởng, những khu vực này chỉ điều chỉnh quy hoạch hoàn thiện chứ không thể đưa các quy hoạch mới vào.

a
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại thảo luận Tổ sáng 3/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đối với khu vực chuyển đổi từ đất rừng và đất lúa, Bộ trưởng cho biết Quốc hội đang chờ trình thêm trên 330 nghìn ha để phát triển khu vực này theo quy hoạch và theo tín hiệu thị trường.

Theo Bộ trưởng, thực tế quy hoạch về xây dựng và quy hoạch về giao thông hết sức quan trọng với đất đai, nên việc kết nối đồng bộ liên thông đã đưa quy hoạch sử dụng đất cùng quy hoạch xây dựng đô thị vùng nông thôn, quy hoạch giao thông thành 1 bộ đi với nhau, tương tác chặt chẽ, hiệu quả với nhau và đã được thể chế hóa trong dự án Luật này.
 

Nhất thiết phải có quy hoạch, cơ chế đồng bộ, quy hoạch 1/500 chi tiết thì mới cho triển khai các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

    Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

 

Bộ trưởng cũng nêu rõ quan điểm của Ban Soạn thảo về việc phân lô, bán nền là nhất thiết phải có quy hoạch, cơ chế đồng bộ, đặc biệt là có quy hoạch 1/500 chi tiết, thì mới cho triển khai các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

“Còn khi không có quy hoạch 1/500 thì có nghĩa sự chuyển đổi mục đích ở đây không tính toán được đầy đủ giá trị của đất đai và trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng đất”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ.

Đối với khu vực nông thôn hiện nay đang có nhu cầu chuyển đổi hết sức thực tiễn, Bộ trưởng cho biết, với khu nhà ở khu vực nông thôn, khu vực đất đang ở ổn định, đất dân cư thì có thể cho phép tách thửa, tách lô trên cơ sở phù hợp quy hoạch nhưng phải chống được tình trạng "phân lô, bán nền".

Xác định giá đất thị trường theo vùng giá trị

Liên quan tới nhiều ý kiến về xác định giá đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, 4 phương pháp xác định giá đất hiện đang áp dụng là “chưa bao giờ sai”, khi những phương pháp này đang theo thông lệ quốc tế, với tiêu chí lựa chọn đã có và được luật định.

a
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại thảo luận Tổ 2 sáng 3/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh điều quan trọng là giá thị trường thì chúng ta có. Theo Bộ trưởng, trước đây, việc nhà nước giao đất không qua đấu thầu, đấu giá, chủ yếu là giao đất và định giá theo khung, theo bảng là bất cập lớn. Cùng với đó, việc tính toán thu thuế trên hợp đồng làm cho người dân không khai thật giá trị mua bán.

Vì vậy, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho hay, trong vấn đề này, phương pháp được lựa chọn là phương pháp định giá theo vùng giá trị, xác định thửa đất chuẩn. Trên thế giới cũng đã thực hiện phương pháp này khi có bản đồ địa chính số và thiết lập được mạng lưới thông tin về giá đất hàng ngày và chuẩn.

Do đó, trong dự thảo Luật đã chế định trách nhiệm của người dân, quy định về cách thức giao dịch, dữ liệu về Nhà nước giao đất theo thị trường, việc đấu thầu, đấu giá… Theo Bộ trưởng, nếu chúng ta làm điều này để có dữ liệu đất đai thì khoảng 5 năm có khả năng thực hiện được định giá đất theo thị trường.
 

Khoảng 5 năm tới có khả năng thực hiện được định giá đất theo thị trường.

    Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay đã có một số đơn vị như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội làm việc này. “Chúng ta hoàn toàn có phương pháp và hoàn toàn thu thập được. Tất nhiên phải có phương pháp và chế định được để làm sao thông tin này chính xác”, Bộ trưởng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng, điều quan trọng nhất là giá đất này không được mang tính chủ quan và mọi phương pháp phải có thống kê toán học, độc lập với những người định giá. Giá phổ quát trên thị trường không phải là giá do ý chí chủ quan đưa ra, mà sẽ xác định dựa trên việc toàn bộ hệ thống thu thập trên các thửa đất chuẩn và ở các vùng giá trị.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nêu rõ, có thể không cần đến 1 triệu thửa đất chuẩn mà chỉ cần tới 300 nghìn thửa đất như vậy để quy đổi và thông qua phương pháp thống kê để tìm được giá trị, thể hiện tính ổn định tương đối của thị trường, còn thực tế không thể có 1 giá thị trường duy nhất.

Chỉ thu hồi đất cho những dự án công

Bộ trưởng cũng khẳng định, hiện nay không còn khái niệm nhà nước thu hồi đất để phục vụ mục đích quốc phòng an ninh và làm đường với giá đền bù rẻ hơn đất làm dự án thương mại, dịch vụ. Tất cả những vấn đề này đều trên 1 mặt bằng về chính sách.

Theo Bộ trưởng, để làm được điều này, Nhà nước sẽ trực tiếp điều chỉnh địa tô chênh lệch do Nhà nước điều chỉnh mục đích xây dựng hạ tầng và phải hài hòa các lợi ích này giữa các địa phương khác nhau, giữa doanh nghiệp-Nhà nước-người sử dụng đất và bảo đảm công bằng cho các hình thức đền bù khác.

Về ý kiến mở rộng hay giảm tối đa Nhà nước thu hồi đất, trên quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, Nhà nước chỉ thu hồi khi chứng minh đó là những dự án công, dự án phục vụ mục đích an ninh quốc phòng, hay dự án kinh tế-xã hội mang lại lợi ích quốc gia, công cộng.

“Vấn đề quan trọng nhất đó là làm thế nào để xác định đó là lợi ích quốc gia, công cộng. Việc này sẽ đưa ra để tham vấn, xin ý kiến những người dân trực tiếp bị thu hồi đất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo nhandan.vn

 

.
.
.