Buồn, vui nghề nuôi vịt chạy đồng
Người nuôi vịt đẻ trứng chạy đồng ví như đời du mục, nay đây, mai đó, lang bạt quanh năm. Nơi họ đến không phải những thảo nguyên xanh mà là những cánh đồng vừa thu hoạch lúa. Mùi đất, mùi rạ rơm vừa quen đã phải dọn lều trại, tiếp tục hành trình đến vùng đất mới.
Nghề nuôi vịt đẻ trứng chạy đồng rất cơ cực nhưng rất phổ biến ở miền Tây Nam Bộ. |
Ông bà xưa có câu: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Vậy mà bao nhiêu thế hệ người miền Tây Nam Bộ vẫn cứ “muốn nghèo” với cái nghề nuôi vịt chạy đồng cha truyền, con nối. Họ bảo, nghề là nghiệp, đã trót vận vào thân thì khó mà dứt bỏ được. Cái nghề cơ cực, ăn ngủ giữa đồng không mông quạnh này có lắm niềm vui mà cũng không ít nỗi buồn.
Ám ảnh chuyện tranh đồng
Ngọn gió bấc đầu mùa thổi qua các cánh đồng biên giới Tây Nam; những cánh đồng chìm trong nước nổi ngày nào giờ lao xao tiếng máy cày, máy xới làm đất để xuống giống dứt điểm mùa vụ mới. Với dân làm nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng như Năm Kiệt thì mùa gió bấc là bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân.
Hớp ngụm nước trà, Năm Kiệt bấm chiếc điện thoại cũ kỹ, gọi cho cánh “cò đồng” dọ hỏi (thăm dò) địa bàn nào sắp thu hoạch lúa Đông Xuân sớm. “Miệt biên giới Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đang thu hoạch lúa rộ”, Năm Kiệt lẩm bẩm sau mấy cuốc gọi dọ đồng.
Ông Năm Kiệt, 54 tuổi, quê huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang có hơn 15 năm làm nghề nuôi vịt đẻ trứng chạy đồng. Ông gọi cánh xe tải căn dặn 2 ngày nữa tới chở đàn vịt 3.000 con đi lên khu vực biên giới Tân Hồng.
Người làm nghề nuôi vịt chạy đồng lo sợ mỗi khi đưa đàn vịt đến nơi xa lạ. |
Theo lời Năm Kiệt, để có đồng chạy vịt tới cho ăn, phải nhờ “cò” là người địa phương đó thỏa thuận mua trước với chủ ruộng. “Giá mua đồng từ 50.000 đồng-100.000 đồng/công (sào) ruộng mới thu hoạch, tùy theo thời gian cho cầm vịt từ nửa tháng đến một tháng. Riêng chi phí cho “cò” là 10.000 đồng/công, có thể do chủ vịt trả tiền hay chủ đất trả, tùy thỏa thuận”, Năm Kiệt nói.
“Đồng nghiệp” của Năm Kiệt là ông Sáu Kết cho biết thêm, trước đây, vịt chạy đồng được thả cho ăn miễn phí sau khi nông dân đã thu hoạch lúa. Nhưng hồi đó, khoảng năm 2010-2012, nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng rất thịnh nên trên mỗi cánh đồng có khi quy tụ đến vài chục đàn, tính đến vài trăm ngàn con vịt. Rồi chuyện tranh chấp, giành đồng cho vịt ăn giữa các chủ vịt xảy ra nên người ta nghĩ đến chuyện mua đồng. “Vậy mà mua đồng rồi vẫn xảy ra tranh chấp”, ông Kết cho hay.
Không riêng Năm Kiệt, Sáu Kết, mà hầu hết người làm nghề nuôi vịt chạy đồng đều ám ảnh khi nhắc đến chuyện tranh chấp đồng chăn thả vịt. Liên tiếp trong các năm từ 2012-2015 đều xảy ra các vụ tranh chấp đồng chăn thả vịt khiến các chủ vịt phải “giải quyết” bằng “tay chân”, thậm chí gây ra hậu quả chết người ở các tỉnh miền Tây.
Là nghề cơ cực nhưng nuôi vịt chạy đồng trở thành nghề cha truyền con nối. |
Điển hình như hồi cuối năm 2012, một vụ “chém, đốt người” vì mâu thuẫn trong việc chăn vịt chạy đồng ở xã Mỹ Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang làm rúng động một vùng quê yên tĩnh. Giữa đêm khuya, bỗng có tiếng kêu cứu thất thanh và một người đàn ông bị lửa cháy, chạy về phía bờ kênh. Cùng lúc này, một chiếc vỏ lãi chở nhiều người lao nhanh khỏi hiện trường vụ cháy. Khi công an đến nơi, nạn nhân đã ngất xỉu với vết thương bị bỏng và các vết chém trên cơ thể.
Qua điều tra, công an xác định: Chủ đàn vịt trên là anh Nguyễn Danh Đoàn có mâu thuẫn với Trần Văn Tý, cùng nghề nuôi vịt chạy đồng. Tý nghi Đoàn bắt trộm vịt của mình nên tìm tới “nói chuyện” không thành. Tối hôm xảy ra vụ việc, Đoàn bận nên nhờ Võ Vị Thanh ra chòi ngủ canh giữ vịt. Tý rủ thêm 6 người khác nhậu, rồi mang theo dao tự chế, bình xăng và phóng vỏ lãi tới chòi vịt của Đoàn gây án. Trở thành “nạn nhân” bất đắc dĩ nhưng anh Thanh may mắn được cứu sống, còn nhóm của Tý và đồng phạm bị truy tố tội “Giết người”.
Một vụ tranh đồng khác dẫn đến chết người xảy ra giữa tháng 7/2015 ở xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Khi đó, Phạm Văn Hậu đưa đàn vịt đến khu đất ruộng vừa thu hoạch của ông Phạm Văn Công ở xã Bình Phú để chăn thả thì gặp Nguyễn Văn Kiệt đang thả vịt tại đây. Hậu yêu cầu Kiệt lùa vịt đi nơi khác vì đã thỏa thuận mua đồng với chủ đất. Kiệt cũng cho rằng mình đã mua đồng này thông qua “cò” nên không chịu dời đi. Không giải quyết được bằng lời, cả hai lao vào ẩu đã và 1 trong 2 người đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Năm Kiệt, Sáu Kết chợt rùng mình, lắc đầu ngao ngán thở dài: “Buồn lắm! Đều là người trong nghề, cực khổ như nhau, thương nhau không hết mà cứ chạy đồng lạ là bị ức hiếp, bắt nạt. Hồi xưa, anh em tui chạy đồng xuống tận Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng bằng tác ráng. Riết rồi buồn và lo không dám đi xa, đi đồng lạ nữa, chỉ từ tỉnh An Giang sang Đồng Tháp, hỏng dám đi xa”.
Lượm trứng rớt là vui
2 hôm sau, tôi theo chân đàn vịt chạy đồng của Năm Kiệt, Sáu Kết đến cánh đồng lúa mới thu hoạch ở xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Tại đây cũng đã có vài đàn vịt từ các huyện trong tỉnh Đồng Tháp vừa chạy tới trước mấy ngày.
Đàn vịt 5.000 con của anh Nhuận sắp tới ngày rớt hột (đẻ trứng). |
Trong lúc chờ Năm Kiệt tìm gò đất cao dựng lều, giăng lưới làm chuồng vịt, tôi bắt chuyện với anh Nhuận, chủ đàn vịt 5.000 con đang chăn thả ở đây. Người đàn ông 37 tuổi này cho biết nhà ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), đã hơn 10 năm làm nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng. Là người kỹ tính, anh Nhuận thường mua vịt con ở các lò ấp vịt có uy tín để gây đàn. Sau hơn 4 tháng, vịt phát triển tốt, đạt trọng lượng, đủ sức là bắt đầu cho rớt hột (đẻ trứng).
Anh Nhuận giải thích, nuôi vịt đẻ lấy trứng có phần khác vịt nuôi bán thịt. Vịt nuôi bán thịt chỉ cần làm chuồng ở cạnh hồ nước để vịt bơi và đổ lúa, thức ăn là được. Còn vịt đẻ trứng thì không chỉ đổ lúa, buộc phải chạy đồng để vịt được bổ sung thêm cua ốc, côn trùng và những hạt lúa tươi rơi vãi sau thu hoạch. Có như vậy, vịt mới đẻ sai, đạt tỷ lệ cao, trứng vô loại nhất, bán được giá hơn.
Niềm vui của người nuôi vịt chạy đồng là khi thấy vịt đẻ rớt trên đồng. |
“Thường mỗi nơi cầm vịt chừng 2 tới 4 tuần, tùy theo đồng lớn hay nhỏ và mồi (thức ăn) nhiều hay ít. Mặc dù thời gian giao kết với chủ ruộng được cho ăn 1 tháng, nhưng được cỡ 2 tuần, vịt đẻ rớt tỷ lệ là phải tính chuyện chạy sang đồng mới. Người trong nghề tự hiểu, đồng đó hết mồi, vịt không còn đủ dinh dưỡng nên đẻ trứng rất ít”, anh Nhuận chia sẻ.
Đang nằm dưới tán cây gáo ngay bên bờ kênh thủy lợi, anh Ba Nghĩa bật vội dậy cho nổ máy chiếc máy dầu bơm nước. Ba Nghĩa nói, đồng này khô nên khi đến đây phải mang theo cả máy bơm để bơm nước lên đồng cho vịt bơi lội, dễ kiếm mồi.
“Có nước lên đồng thì cua, ốc trong hang sẽ bò ra, trùn, dế cũng ngoi lên chân rơm rạ. Đó là những loại mồi ngon và dinh dưỡng cao đối với đàn vịt đẻ chạy đồng. Chỉ cần thấy đàn vịt rớt hột ngay trên đồng giữa ban ngày, lượm trứng là tụi tui vui như mở hội. Vì chỉ khi con vịt được bổ sung đủ thức ăn, dinh dưỡng thì mới có sức đẻ trứng và đẻ rơi trên đồng ruộng. Chắc chắn đêm đó, vịt vô chuồng sẽ đẻ rất sai”, ông Ba Nghĩa khẳng định.
Có nước lên đồng thì cua, ốc trong hang sẽ bò ra, trùn, dế cũng ngoi lên chân rơm rạ. Đó là những loại mồi ngon và dinh dưỡng cao đối với đàn vịt đẻ chạy đồng. Chỉ cần thấy đàn vịt rớt hột ngay trên đồng giữa ban ngày, lượm trứng là tụi tui vui như mở hội.
Ông Ba Nghĩa
Niềm vui mỗi ngày là thu hoạch trứng từ trong chuồng trại. |
Cũng theo lời Ba Nghĩa, có một quy định như luật bất thành văn là dù vịt chạy đồng xa đến cỡ nào thì cánh bạn hàng thu mua trứng vịt vẫn đến tận nơi đếm trứng. Càng vui hơn khi trứng loại 1 (vịt cồ) hiện được thương lái thu mua tại chuồng với giá 30.000 đồng/chục.
“Chỉ cần mỗi khi gà gáy, mở mắt ra đón mặt trời là tụi tui quên hết mệt mỏi, cơ cực khi phải ăn ngủ giữa đồng xa vì tập trung thu hoạch trứng trong chuồng, chờ thương lái tới thu mua”, Ba Nghĩa hào hứng nói.
Theo nhandan.vn