Thứ Hai, 26/12/2022, 11:36 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Quyết tâm vượt qua trở ngại đó, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh Tiền Giang đã xúc tiến các giải pháp nhằm cải thiện đời sống người dân, thực hiện giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, giảm khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư.

GIẢM 1.000 HỘ NGHÈO

Căn cứ Nghị quyết của HĐND tỉnh khóa X - Kỳ họp thứ 4 (năm 2021) về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2022, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022. Trong đó, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 xuống còn 1,4% so với số hộ toàn tỉnh, tức giảm khoảng 1.000 hộ nghèo, tương đương giảm tỷ lệ 0,2%.

Thực hiện các giải pháp giảm nghèo, trong đó có chăm lo cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là con em của các hộ nghèo, cận nghèo.
Thực hiện các giải pháp giảm nghèo, trong đó có chăm lo cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là con em của các hộ nghèo, cận nghèo.

Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với nội dung, hình thức phù hợp từng địa bàn quản lý; kết hợp chặt chẽ giữa kế hoạch giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện phân loại đối tượng, nguyên nhân nghèo để có chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là đối với nhóm hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống cho hộ thuộc diện bảo trợ xã hội; các chính sách, giải pháp giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Tập trung thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo...

Đối với những hộ thiếu vốn sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện tư vấn về chính sách vay vốn hộ nghèo để sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Hỗ trợ nguồn vốn từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đối với những hộ có nhu cầu về việc làm thì giới thiệu việc làm và đặc biệt quan tâm đến việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài...

Đối với những hộ có người cao tuổi neo đơn, không còn sức lao động thì vận động các nhà hảo tâm đóng góp hoặc nhận nuôi dưỡng trực tiếp, hỗ trợ hằng tháng để họ có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Tổ chức tốt việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn; đẩy mạnh các hình thức huy động nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đề ra.

QUÁN TRIỆT GIẢI PHÁP HỖ TRỢ

UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương và các tổ chức có liên quan thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Nhà nước. Đối với chính sách tín dụng ưu đãi, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu, phương án sản xuất, kinh doanh, được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; 100% học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo vay vốn và tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, đảm bảo nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo.

Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi về nguồn vốn nhằm khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo. Các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát động phong trào giúp đỡ nhau nguồn vốn phát triển kinh tế để thoát nghèo.

Tổ chức đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo có nhu cầu học nghề để tìm việc làm và tự tạo việc làm tại chỗ có thu nhập ổn định. Với chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn miễn phí, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho lao động hộ nghèo học những nghề đang khuyến khích đào tạo để đáp ứng nguồn nhân lực cho tỉnh; mở rộng dạy nghề, định hướng và hỗ trợ người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài.

Mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo theo quy định; đối với người thuộc hộ cận nghèo, ngân sách tỉnh hỗ trợ theo Nghị quyết 17 ngày 6-12-2019 của HĐND tỉnh. Vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo; vận động các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo; lồng ghép các chương trình y tế quốc gia để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và người nghèo.

Đối với chính sách hỗ trợ về giáo dục, thực hiện miễn, giảm học phí cho 100% học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh vùng khó khăn. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hỗ trợ giáo dục cho con em hộ nghèo, mồ côi do Covid-19. Chính sách hỗ trợ nhà ở tiếp tục thực hiện đối với hộ nghèo, cận nghèo có khó khăn về nhà ở; thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho hộ nghèo có nhu cầu.

Cùng với chính sách ưu đãi, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện các dự án của Chương trình giảm nghèo bền vững như hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, ngư nghiệp; Dự án Truyền thông về giảm nghèo.

Đối với công tác trợ giúp xã hội, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đầy đủ chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định 20 của Chính phủ đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, phụ nữ đơn thân... thuộc hộ gia đình nghèo và đang được nuôi dưỡng tập trung trong các cơ sở xã hội. Ngoài ra, chú trọng vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, trợ cấp thường xuyên cho nhân khẩu các hộ nghèo về thu nhập không còn sức lao động, hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã, giúp đỡ về y tế, nhà ở, tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống…

MAI THẢO

.
.
.